RỒNG TRONG DÂN GIAN
RỒNG TRONG KINH THÁNH
Giáp Thìn 2024 - Sưu tầm
Rồng là một con vật trong tứ linh (Long, Li, Qui, Phượng), chỉ có mặt trong truyền thuyết, không thật. Thế nhưng, con Rồng mang một ý nghĩa vô cùng linh thiêng, trọng đại. Rồng là một biểu tượng đặc sắc cho nền văn hóa Việt Nam, là thủy tổ và là niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam.
Theo truyền thuyết, thì theo https://danso.org vào năm 2024, dân số Việt Nam đạt hơn 100 triệu, đều là “Con Rồng Cháu Tiên”. Gốc gác từ chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ. Bà đẻ ra một cái bọc (từ đó có chữ đồng bào) gồm 100 trứng. Những vì “thủy khắc hỏa”, nên chia tay, mỗi người ôm 50 trứng, “đường anh anh đi, đường em em đi”. Kẻ lên non, người xuống biển. Phía biển làm thành dân Lạc Việt, vị đứng đầu là Lạc Long Quân. Sau này, Ngài phong cho người con đầu lòng làm vua nước Văn Lang, đó là Vua Hùng, được coi là thủy tổ của nòi giống dân Việt uy hùng: uy hùng ở chỗ là, một dân tộc bị nô lệ cả ngàn năm giặc Tàu, trăm năm nô lệ giặc Tây. Dân Việt tản mát khắp nơi khắp chốn, mà vẫn không mất gốc, luôn luôn vươn lên như Rồng. Do đó, con rồng biểu trưng cho sự sống mới, hưng thịnh, phát triển, dũng mãnh, ngang dọc, phá đổ được những ràng buộc, dù lâu đời đi nữa.
Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung có nhân vật Hồng Thất Công, “Bang Chúa, Cái Bang” có một võ công rất uy mãnh tên là Giáng Long, gồm 18 chưởng dựa theo phép biến hóa của loài rồng, như Phi Long tại thiên (rồng bay lên trời), Kiến Long tại điền (thấy được rồng hiện ra ở ruộng), Thần Long bãi vĩ (rồng thần quẫy đuôi), Cuồng Long nộ hỏa (rồng nổi điên phun lửa giận).
Con rồng đã ăn sâu vào tâm trí mọi người, không ai có thể vẽ khác được. Con rồng đi vào đời sống của dân Việt (Long Quốc) : Lạc Long Quân, Long Biên (Hà Nội), Thăng Long, Vịnh Hạ Long được Unesco kể vào bảy kỳ quan thế giới, Long Hải, Hàm Long (Bình Định), Long Khánh, Sông Cửu Long, Bạch Long Vỹ (rồng thiêng quẫy đuôi thư hung), Vĩnh Long (đẹp mãi). Long Dược Phụng Minh (chỉ về tài hoa), Long đầu Phụng Vỹ (đầu rồng đuôi phượng, chỉ về chung thủy, hay được dùng trong đám cưới).
Chuyện Song Hỉ (do Đức Giám Mục Pherô Maria Nguyển Soạn kể ngày 12-1-1999).
Trên các xe hoa, phòng tiệc cưới, thấy hay đề chữ “Song Hỉ”, có vẽ hình con rồng và con phượng, ý nghĩa gì? Vui mừng cho hai người, hai họ? Không, gốc tích nó khác.
Ngày xưa, bên Tàu, có một chàng thanh niên kia tên là Trương Minh Thu, Anh là một học trò nghèo. Quyết tâm đi thi hương để đỗ Trạng. Giữa lúc đó, nơi xóm làng, có một người phú hộ muốn gả con gái đẹp tuyệt trần. Ông kén chồng cho con, bằng cách ra một vế câu đối. Còn một nửa, ai đối được thì làm chồng của của gái đó. Thấy người ta đang đông đảo, nô nức tìm ra cầu đối lại. Phần anh, đang trên đường đi thi, cũng ghé vào xem, thấy phú ông cầm cái đèn kéo quân ra (cây đèn chạy bằng lửa bằng nến đó), để mà đố bằng một nửa câu đối :
“Tẩu mã đăng, Đăng mã tẩu, Đăng tức mã dinh tề”, nghĩa là “Đèn kéo quân, quân kéo đèn. Đèn tắt, thì quân dừng chân”.
Đó là nửa câu đố vế thứ nhất. Không ai đối lại được cả, và chàng thí sinh cũng không đoán gì được, nhưng anh đã ghi nhớ câu đố đó vào lòng, rồi tiếp tục trên đường đi lên trường thi. Tại sân trường, ông chánh chủ khảo thấy cờ bay phất phới; trên nền cờ đó, có thêu con hổ. Ông ta ra một câu đố : “Phi hổ kì, kì hổ phi, kì quyện, hổ tàn thân” nghĩa là “Cờ bay, hổ cũng bay. Cờ bay hổ, hổ bay cờ. Cờ xếp hổ ẩn mình”.
Ai ai cũng thấy khó khăn quá, không biết làm sao đối lại được.
Riêng anh chàng Thu, đã có sẵn câu đố tủ ở nhà rồi, anh lấy ráp vô. Thấy là hay quá, cho nên chàng thắng cuộc, được đại đăng khoa, đỗ trạng nguyên. Về nhà, anh đem câu đố ở trường thi về đối lại với câu của phú ông; mà ở nhà không ai đối được. Thế là một mình anh Thu được thắng cuộc. Anh đậu lần thứ hai nữa, kêu là tiểu đăng khoa. Thế là hai lần vui, một lần đậu trạng và lần sau cưới vợ được. Nên người ta gọi là Song Hỉ, biểu trưng bằng con rồng con phượng chầu chữ thọ.
Nhà vua Việt Nam được gọi là Thiên Long. Cái gì thuộc nhà vua cũng có chữ Long. Mặt vua gọi là long nhan. Áo mũ của vua gọi là long bào, long mão. Xe vua đi gọi là long xa. Cả những thứ không phải đồ dùng, như cái bào thai mà vua là tác giả, thì cũng gọi là long thai. Ơn vua mưa móc gọi là long ân.
Có truyền thuyết cho rằng, vẽ rồng cho vua có năm móng, các quan bốn móng, còn thứ dân thì ba móng thôi.
Theo tả truyện “Chiêu công nhi thập cửu niên”, thì rồng là một loại bò sát, lưỡng thê, sống dưới nước, lội nhảy tận nơi vực sâu (rồng thủy cung). Nhưng có thứ lành, thứ dữ.
Theo Hòa Nam Tử, “Tinh Thần Huấn” có kể chuyện vua Vũ đi thăm Phương Nam, có con rồng màu vàng bơi cặp theo thuyền. Mọi người kinh hãi, chỉ có đức vua sắc mặt không hề thay đổi, vì Ngài biết đó là loài phúc linh.
Con rồng có vuốt sắc, răng nhọn hoắt như chó sói, thân hình dài có vảy như rắn, có chân như cá sấu, có đuôi như cá chép, rất giỏi đào hang. Tư trị thông giám “Lương Kỉ” có chép chuyện đời vua Lương Vũ (502-549), dân chúng đã phải tu sửa đê điều, vì sợ rồng đào hang hốc làm hỏng đê điều.
Rồng ngủ một mùa trong năm. Bảo Phác Tử “Đối Lục” chép rằng: “Rồng ngủ suốt mùa đông, ở thời kỳ không ăn mà vẫn béo mập hơn thời kì kiếm ăn được”.
Thần thoại thì kể rồng rất ham ngủ. Thái Bình, Quảng kí, quyển 311, dẫn thiên “Tiếu Khoáng” trong truyện kí, nói rồng thích ngủ, giấc ngủ dài nghìn năm, giấc ngắn thì vài trăm năm. Nằm ngửa trong hang huyệt, bùn cát nhét vào kẽ vảy, nếu chim đánh rơi hạt lên trên, thì có thể mọc thành cây.
Từ khi dựng nước, người Việt Nam chúng ta có tục vẽ xâm mình bằng hình con rồng, để chống lại loài thủy quái, như nhận xét của Trần Nhân Tông: “Nhà chúng ta vốn là người ở vùng hạ lưu, đời đời ưa chuộng hùng dũng, nếp nhà theo nghề võ, nên xâm hình rồng vào đùi để không quên gốc gác.
Nền văn hóa Việt Nam có biểu tượng là trống đồng, mặt trống toàn là rồng bay, hoặc cá vượt vũ môn hóa rồng! Dân gian kinh nghiệm thời tiết vụ mùa : “Rồng đen lấy nước được mùa, Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày” (ca dao Việt Nam).
Trong ngành kiến trúc nước ta, không ai mà không biết, những cảnh lưỡng long chầu rồng, hay chầu nguyệt. Ai ra xứ Huế, đều biết thành nội, nay là di sản văn hóa thế giới, được Unesco bảo trợ, toàn là điêu khắc rồng trên các mái cong. Riêng chiếc ngai vua ngự…đẹp hết sức tinh vi, vì toàn là rồng được đúc bằng đồng. Các đồ cổ quí hiếm có giá trị cao nhất quốc tế là vẽ rồng.
Kinh thánh cũng nhắc đến con rồng Leviathan, là thứ khủng long dữ tợn của buổi “tạo thiên lập địa”, lúc vũ trụ còn hỗn mang (Gn 3, 8). Sách khải huyền thì gọi rồng là con rồng đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, đuôi quét đi một phần ba các tinh sao mà quảng xuống đất. Rồi con rồng đỏ đứng chực sẵn trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong, là nó nuốt con bà ngay” (Kh 12, 3). Ý muốn nói đến một sức mạnh sự dữ chống nghịch lại Thiên Chúa và dân Ngài, được biểu trưng bằng hình ảnh một người nữ. Nhưng Thiên Chúa sẽ tận diệt con rồng này trong ngày cánh chung (Kh 20, 1-10).
Hình ảnh con rồng trong Kinh Thánh được trình bày với tính chất dữ tợn xấu xa, một con vật to lớn quái dị dưới nhiều dạng hình thù khác nhau. Nó là con vật gây đảo lộn mất trật tự, sát hại mạng sống con người và thù địch với Đức Chúa.
Ngôn sứ Isaia diễn tả nó là mọt con vật bay được: “Hỡi toàn cõi Philitinh, chớ vội vui mừng, vì cây gậy đánh ngươi đã bị bẻ gẫy; bởi chưng từ dòng dõi rắn sẽ vọt ra một con rắn hổ mang, và con của nó sẽ là một con rồng bay” (Is 14, 29).
Ngôn sứ Đanien đã thuật lại tập tục : “Bấy giờ có một con rồng lớn được dân Babylon sùng bái” (Dn 14, 23). Nhưng Đanien đã chứng minh ngược lại, là con rồng không phải là thần thánh phải sùng bái. Ông đã giết chết con rồng này (Đn 14, 24-27).
Ngôn sứ Giêrêmia diễn tả ví vua Babylon như con rồng đầy sức mạnh tranh giành nuốt trôi tất cả: “Nabucôđonôxô, vua Babylon, đã xâu xé, đã loại trừ tôi, gạt tôi ra như chiếc bình rỗng, tựa con rồng, nó đã nuốt trửng tôi, các miếng ngon của tôi, nó nhét đầy bụng, rồi xua đuổi tôi đi” (Gr 51, 34).
Con rồng như một con thuồng luồng sống dưới nước: “Xin thức dậy, xin Ngài thức dậy đi, lạy Đức Chúa, xin vung mạnh cánh tay của Ngài! Xin thức dậy như những thời trước, như những ngày xưa. Chẳng phải chính Ngài đã phanh thây thủy thần Raháp, đã xé xác thuồng luồng đó sao? (Is 51, 9).
“Chính Ngài đã ra oai xẻ đôi lòng biển,
Trên làn nước biếc, Ngài đạp vỡ sọ thuồng luồng,
Chính Ngài đã nghiền nát bảy đầu con giao long,
Vứt nó làm mồi cho thủy quái” (Tv 74, 13-14).
Con rồng hiện hình như con rắn tình quái, bò chui luồn dưới đất: “Người thở hơi làm trong sáng bầu trời, và đưa tay xả thây con rắn chui nhủi” (Gb 26, 13).
Thánh Gioan tông đồ đã ví con rồng như con mãng xà, con rắn thần dữ ma quỉ này, đã bị Tổng lãnh thiên thần Michael trong một trận giao chiến trên trời đè bẹp đuổi khỏi thiên đàng.
“Bấy giờ có giao chiến trên trời: thiên thần Michael và các thiên thần của người giao chiến với con mãng xà. Con mãng xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không có chỗ trên trời nữa. Con mãng xa bị tống ra, đó là con rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỉ hay sa tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó” (Kh 12, 7-9).
Dù bị tống xuống khỏi thiên đàng, con mãng xà là con rắn ma quỉ hằng theo dõi dụ dỗ sát hại con người trong hình ảnh một người phụ nữ sinh con, và dòng dõi hậu duệ của bà từ bỏ sống xa Thiên Chúa. Hình ảnh này là hình ảnh của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, mình mặc áo xanh da trời, đầu đội triều thiên 12 ngôi sao vàng sáng chói ánh mặt trời, chân đạp mặt trăng hình lưỡi liềm đạp trên đầu con rắn.
“Khi con mãng xà thấy mình đã bị tống xuống đất, nó liền đuổi bắt người phụ nữ đã sinh con trai. Bà được ban cho đôi cánh đại bàng, để bay vào sa mạc, vào nơi dành cho bà, tại đó bà được nuôi dưỡng một thời, hai thời, và nửa thời, ở xa con rắn. Từ miệng, con rắn phun nước ra đàng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi. Nhưng đất cứu giúp bà : đất há miệng ra uống cạn dòng sông từ miệng con mãng xa phun ra. Con mãng xà nổi giận với người phụ nữ và đi giao chiến với những ngừoi con lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu” (Kh 12, 13-17).
Năm Giáp Thìn chúng ta chúc nhau là :
“Con rồng cháu tiên. Rồng bay phượng múa”, chứ đừng chịu làm thân giun dế; hay là thân sâu róm bò gốc cây đa đề, thích lè phè ngọn cỏ; đừng “vẽ rồng lên giun; đừng là thứ đầu rồng đuôi tôm”, ngôn hành bất nhất; đừng “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo”.
“Cá chép hóa rồng”, được toại nguyện, thành đạt, nhất là đạt ơn cứu rỗi.
“Cá gặp nước, rồng gặp mây. Rồng mây gặp hội” nghĩa là may mắn thuận lợi mọi bề.
Lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, trong giây phúc linh thiêng nhất của thời gian mới, chúng con hân hoan chúc tụng cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn tuôn đổ hồng ân dạt dào xuống trên chúng con.
Xin cho quê hương Việt Nam của chúng con sẽ là thứ rồng dũng mãnh của Châu Á, không nguyên là rồng vùng lên khỏi cảnh suy thoái kinh tế, mà còn là rồng của khoa học kỹ thuật, nhất là rồng của sự thăng tiến con người, trong nền văn mình tình thương, nhân phẩm nhất là đối với những ngừoi nghèo.
Xin cho cánh nhà nông chúng con được mưa thuận gió hòa, gặt hái được thành quả sau những năm tháng trông chờ.
Xin cho mỗi người chúng con thành những con rồng nhỏ, nhưng được tràn đầy nhân đức, chọc thủng được mây trời, bay thẳng vào thiên quốc, cùng với Mẹ Maria tụng ca Chúa muôn đời. Amen.
Nguon https://www.tinmung.net/Xuan-Giap-Thin/INDEX-Giap-Thin.htm