Trang chủ

Samstag, Januar 21, 2023


Năm Mèo Chuyện Mèo


 

Nguyễn Trung Tây
Mèo và Chuột: Mèo trong văn hóa Việt Nam nổi bật qua một bài ca dao thuộc dòng văn chương bình dân,
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa!
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Mèo và chuột kẻ thù truyền kiếp. Nhưng mèo ở thế thượng phong, bởi mèo lùng bắt chuột. Chuột gặp mèo là ba chân bốn cẳng phóng chạy thật nhanh. Nơi nào có mèo thì không có chuột. Thế nhưng bài ca dao lại nói mèo đi thăm chuột. Không gặp được mặt chuột, mèo lại ân cần hỏi han tại sao chuột lại vắng nhà. Tác giả bài ca dao giải thích lý do chuột đi vắng liên quan tới đám giỗ của cha chú mèo. Bởi đám giỗ, chuột xách giỏ đi chợ đường xa, mua mắm và muối về làm giỗ.
Khi chuột ân cần đáp trả sự ân cần của mèo, thoạt nghe, người ta tưởng hai bên là bạn thân, có mối tương giao tối lửa tắt đèn. Nhưng không, bởi tiền đề thực tế là mèo và chuột kị nhau, người nghe nhận ra cả mèo và chuột đều nói những lời không thật. Mèo đói bụng, đi săn lùng mồi chuột. Bởi mèo, chuột phải dọn nhà từ dưới đất lên cây cau, một loại cây có chiều cao vượt trên những loại cây khác. Nhưng cây cao thì mặc cây cao, mèo khi đói bụng thì cũng trèo lên cây cau đi tìm chuột xơi tái.
Chuột biết sự thật phũ phàng như thế, cho nên mới bắn tin cho mèo biết chuột đang đi chợ. Mà đây không phải chợ gần, nhưng chợ xa. Bởi thế, còn lâu lắm chuột mới về lại nhà. Xin đừng mất công rình rập ở cửa nhà làm chi.
Và câu sau cùng lại càng thêm thâm thúy cái nét tinh nghịch của chuột. Đó là chuột đi chợ chỉ mua đúng 2 món: mắm và muối. Hai loại gia vị này, một dùng để ướp, một dùng để làm đậm thêm hương vị. Cá ướp muối, cá giữ được lâu. Thức ăn nêm nước mắm, đĩa thức ăn đó nồng nàn đậm chất. Hai món mắm và muối này chuột mua để làm gì? Hóa ra để là làm đám giỗ cho cha của chú mèo. Nhưng đọc liền ba chữ cuối cùng của bài ca dao, “cha chú mèo,” người đọc nhận ra ngay thâm ý của chuột. Thật ra, chuột đang chửi xéo mèo, “Tao đi mua mắm mua muối về để làm đám giỗ cha mày.” Nói một cách khác, chuột đi chợ mua mắm và muối về để nấu thịt mèo. Phần còn dư ăn không hết, chuột ướp muối để dành ăn dần!

Mèo trong Văn Chương: Nguyên Sa có câu thơ khá lạ liên quan tới mèo.
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chẳng là nước biển!...
 (Nga).
Nguyên Sa bất ngờ đi một vài nét thơ khá lạ về cô gái tên Nga. Cái buồn của Nga trong câu thơ được diễn tả rất đời thường và bất ngờ. Xuân Diệu thì nói, “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.” Huy Cận diễn tả buồn qua hình ảnh tơ nhện, “sợi buồn con nhện giăng mau.” Nguyễn Ánh 9 mời gọi nỗi buồn tới ghé thăm, “Buồn ơi, ta xin chào mi.” Nguyên Sa diễn tả người con gái tên Nga buồn như một con chó ốm; dẫn tới đôi mắt cá ươn của Nga, chứ không phải đôi mắt bồ câu mở lớn. Mắt cá ươn thì khó mà có thể hấp dẫn được ai! Nhưng đối với thi sĩ Nguyên Sa, Nga có đôi mắt cá ươn và như con chó ốm vẫn đẹp vẫn hấp dẫn. Riêng mèo trong câu thơ thứ hai thì ngái ngủ. Khi mèo ngái ngủ, mèo nhìn vẫn hiền lành, và vẫn rất mèo, vẫn rất thiếu nữ, bởi mèo thường được ví von với cô gái xuân thì.

Mèo và Thiếu Nữ: Mèo sạch sẽ bởi thường xuyên chăm sóc bộ lông, và lau chùi bốn bàn chân. Mèo đi cũng nhẹ nhàng uyển chuyển. Cho nên dáng đi của thiếu nữ cũng được ví với dáng đi của mèo. Mèo dáng mảnh khảnh, thon gọn tương tự như thân hình thon gọn của thiếu nữ tuổi đôi mươi. Cũng bởi thế mèo được ví với những cô thiếu nữ xuân thì. Thiếu nữ tuổi đôi mươi vốn đã đẹp. Khi biết chăm sóc mái tóc, làn da, khuôn mặt, thân thể, họ lại càng đẹp hơn.

Mèo trong Thế Giới Tâm Linh: Mặc dù không có bằng chứng về khoa học, nhưng một số người tin là mèo có thể nhìn thấy những thứ đôi mắt người không có thể nhìn thấy, đặc biệt thế giới vô hình. Bởi vậy, chú mèo trong phim Ghost nhìn thấy linh hồn Sam, nhân vật nam chính trong phim. Niềm tin này có thể bắt nguồn từ đôi mắt mèo nhìn trong đêm tối rõ hơn đôi mắt người. Nhiều người trên thế giới cũng kiêng kỵ, tránh tình trạng mèo nhảy ngang qua thi hài người chết, nằm trên giường, chưa liệm. Bởi họ tin điện dương từ lông của mèo có khả năng làm người chết mang điện âm ngồi bật dậy. Nhưng điều này cũng hoàn toàn không có căn cứ khoa học.

Tứ Gia Súc: Mèo là một trong tứ gia súc của một gia đình Việt Nam, chó, gà, heo, và mèo. Bước chân vào một gia đình Việt Nam ở thôn quê, người ta nhận ra ngay những chú chó đang nằm trên sân trông nhà cho chủ. Đằng sau vườn cây là những chú gà đang rộn ràng tìm kiếm thức ăn. Nơi góc nhà là chuồng heo với những chú heo đang nằm ngủ. Và trong góc bếp, những chú mèo đang nằm đâu đó đôi mắt lim dim như ngủ. Bởi thế, Việt Nam cũng có một bài ca dao nhắc tới cả 3 trong 4 tứ gia súc:
Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng, khóc ngồi,
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.

Tác giả bài thơ này thật ra đưa ra một công thức liên quan tới thức ăn và gia vị. Đó là, thịt nào thì đi với gia vị đó. Thịt gà là phải có lá chanh cắt nhỏ rải lên trên miếng thịt gà. Thịt heo là phải có hành. Và thịt chó là phải có riềng. Nhưng không hiểu sao, mèo của tứ gia súc lại vắng mặt trong bài thơ này. Có thể bởi người Việt Nam kiêng kị ăn thịt mèo. Cho nên mèo vắng mặt trong bài ca dao.

An Nhiên Tự Tại: Đặc biệt nhất, mèo, cọp, beo đều có họ hàng với nhau. Tất cả đều có những đặc tính rất giống nhau. Cũng ăn thịt, cũng leo cây, cũng có bộ lông mượt mà, móng vuốt sắc nhọn, những sợi râu mép cứng, đôi mắt tinh anh, phóng rất nhanh, tát con mồi bằng chân trước. Nhưng trong khi cọp và beo to lớn, chúa tể rừng xanh, mèo nhỏ thó, giang sơn chỉ chiếm gọn một xó bếp, gian nhà.
Tuy nhỏ bé, mèo xuất hiện bất cứ ở nơi đâu vẫn rất đĩnh đạc, tự nhiên. Khi đói, cần tìm mồi chuột, mèo hiên ngang leo cây thăm viếng chú chuột dọn nhà lên cây cau. Khi no bụng, mèo vẫn nằm trên sân gạch ngủ một giấc no nê. Khi thức dậy, mèo lại thư thái đi đứng, lại điểm trang bộ lông đẹp và lại chải chuốt móng vuốt. Và nếu bị cậu chó chung một gian nhà đe dọa, mèo hoặc bỏ đi, hoặc đứng trụ lại, gương móng vuốt, gầm gừ đe dọa lại đối phương.
An nhiên tự tại là một đặc điểm nổi bật của mèo. Mèo không bắt chước để trở nên giống như bất cứ một con thú nào trong họ nhà mèo. Mèo bình an và hạnh phúc với cuộc sống và những đặc tính riêng biệt của mèo. Mèo an nhiên với cuộc sống của mình. Mèo tự tại bởi biết rõ những khả năng riêng biệt được Ông Trời ban tặng. Dù khoác trên người bộ lông tam thể, hay nhị thể, hay mướp, hay mun, hay bạch, mèo vẫn an nhiên tự tại với cuộc sống cá nhân riêng biệt. An nhiên tự tại như Mão có thể là một chủ đề, một tư tưởng, một lối sống mới trong năm QUÝ MÃO, 2023.
Sau cùng, an nhiên tự tại của mèo bởi được làm mèo nhắc nhở người tín hữu Thánh Vịnh 139,
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi (TV 139:13-14).

Lời Kết: Năm mới, Quý Mão 2023 đang ghé vào từng ngôi nhà Việt Nam. Kính chúc mọi người một năm an nhiên tự tại với tất cả những gì Ông Trời đã ban tặng mỗi cá nhân, ngay từ những giây phút đầu tiên, khi đó, chúng ta được hình thành trong bụng Mẹ.
(Trích Suy Niệm Ta Thương Tổn Ta sẽ xuất bản).
http://www.vietcatholic.net/News/Html/280649.htm