Trang chủ

Sonntag, April 04, 2021

 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Dante và Thứ Sáu Tuần Thánh

Bình luận của Cha Raymond J. de Souza,ngày 2 tháng 4 năm 2021 (https://www.ncregister.com/commentaries/pope-john-paul-ii-cardinal-joseph-ratzinger-and-dante-good-company-on-good-friday)

Những kỷ niệm thấm thía về Thứ Sáu Tuần Thánh cách đây 16 năm mang một ý nghĩa đặc biệt cho ngày hôm nay.

Khi Thánh Gioan Phaolô II được phong chân phước vào năm 2011, ngày lễ của ngài được ấn định vào ngày 22 tháng 10 - ngày bài giảng đăng quang "Đừng sợ!" - chứ không phải là ngày ngài mất theo thông lệ, tức ngày 2 tháng 4. Ngày giỗ của ngài thường rơi vào Tuần Thánh hoặc Tuần Bát nhật Phục sinh, và do đó không thể được cử hành.Năm nay, ngày giỗ của Thánh Gioan Phaolô II rơi vào Thứ Sáu Tuần Thánh, điều này mời gọi chúng ta nhớ đến Thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng trong cuộc đời trần thế của ngài.

Năm 2005, Thứ Sáu Tuần Thánh rơi vào ngày 25 tháng 3, giống như trong Tuần Thánh đầu tiên trong cuộc đời của Đức Gioan Phaolô, năm 1921. Nó lại rơi vào ngày đó trong Năm Thánh Lòng Thương Xót do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố vào năm 2016. Điều này hiếm khi xảy ra, nhưng khi nó xẩy ra hẳn phải là sự liên kết hoàn hảo.

Các Kitô hữu tiên khởi cho rằng Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên là vào ngày 25 tháng Ba, cùng ngày với lễ thụ thai đồng trinh được cử hành vào Lễ Truyền tin. Một cách ngẫu nhiên, ngày lễ của Kẻ trộm lành cũng là ngày 25 tháng 3, ngày mất của ông, Thứ Sáu Tuần Thánh.

Đến Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, thế giới đã theo chân Đức Gioan Phaolô vào bệnh viện và về nhà nhiều lần. Cuối tháng Ba, rõ ràng là ngài sẽ không quay lại bệnh viện nữa; ngài về nhà để chờ chết.

Hai kỷ niệm nổi bật vẫn còn lại từ Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005: những gì Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã nói tại Đàng Thánh Colosseum và những gì Đức Gioan Phaolô II đã không nói, khi tham dự từ căn phòng Giáo hoàng.

Phong tục của Giáo hoàng vào Thứ Sáu Tuần Thánh là cử hành Đàng Thánh giá trong bóng tối của Colosseum vào ban đêm. Thánh Gioan Phaolô thường mời những người khác nhau để soạn các bài suy niệm. Vào năm 2005, có lẽ cảm nhận được rằng đây sẽ là Thứ Sáu Tuần Thánh cuối cùng của mình trên cương vị giáo hoàng, ngài đã tìm đến người cộng tác đáng tin cậy nhất của mình. Đức Hồng Y Ratzinger đã soạn các bài suy niệm ấy.

Trong chính biến cố, Thánh Gioan Phaolô đã quá yếu, không thể tự mình đến đấu trường Colosseum. Người viết tiểu sử của ngài, George Weigel, mô tả bối cảnh đó như sau:

“Các Trạm Đàng Thánh Giá đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của Karol Wojtyła trong hơn bảy mươi lăm năm. Khi còn là một cậu bé, ngài đã chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô được diễn kịch lại tại Kalwaria Zebrzydowska, đền thánh gần quê hương Wadowice của ngài, ngay sau khi mẹ ngài qua đời.

“Vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, sức khỏe của ngài suy giảm nhanh chóng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II một lần nữa đã dẫn dắt Giáo Hội qua các bước đi của nó với Chúa Kitô… mặc dù ở một khoảng cách xa và một cách khác.

“[Đức Gioan Phaolô] chỉ còn nói thì thầm. Nhưng khi Đức Hồng Y Ratzinger dẫn đầu đoàn rước long trọng qua đống đổ nát của thời cổ đại, Đức Gioan Phaolô II đã cầu nguyện Đàng Thánh Giá trong khi theo dõi buổi lễ tại Colosseum trên một chiếc tivi được đặt trong nhà nguyện của căn phòng Giáo hoàng. Một máy quay truyền hình ở cửa nhà nguyện đã chiếu cho thế giới thấy buổi cầu nguyện của Đức Gioan Phaolô. Ngài ngồi và nắm trong tay một tượng chịu nạn lớn, khi cầu nguyện qua mười bốn trạm với cộng đoàn gần Colosseum. Những người xem ở Colosseum và trên truyền hình chỉ có thể nhìn thấy lưng của Đức Gioan Phaolô; khuôn mặt của ngài không bao giờ được trình chiếu. Tuy nhiên, trái ngược với suy đoán của báo chí, ngài không hề giấu giếm nỗi đau hay sự tàn phá của những tuần bệnh tật. Đúng hơn, ngài chỉ làm điều ngài vẫn luôn luôn làm, đó là không phải nói, ‘Hãy nhìn tôi,’ mà đúng hơn, ‘Hãy nhìn Chúa Kitô'" (The End and the Beginning, pp. 370-371).

Trong khi Đức Gioan Phaolô, trong nhà nguyện riêng của ngài, đang làm chứng âm thầm trong sự đau khổ của ngài, thì Đức Hồng Y Ratzinger đang nói lên sự đau khổ của Chúa Kitô Colosseum.

Trong bài suy niệm Đàng Thánh Giá duy nhất từng đạt được cuộc sống riêng của nó, Đức Hồng Y Ratzinger đã viết một lượng giá đầy nhức nhối cho Trạm thứ Chín, lần ngã thứ ba của Chúa Giêsu dưới sức nặng của thập giá:

“Há chúng ta cũng không nên nghĩ đến việc Chúa Kitô phải chịu đau khổ xiết bao trong Giáo hội của Người đó sao? Biết bao lần Bí tích thánh Hiện Diện của Người đã bị lạm dụng, biết bao lần Người phải đi vào những trái tim trống rỗng và xấu xa! Biết bao lần chúng ta chỉ cử hành chính chúng ta mà không hề nhận ra rằng Người đang ở đó! Biết bao lần Lời của Người thường bị vặn vẹo và bị lạm dụng! Đức tin nhỏ nhoi làm sao đằng sau quá nhiều lý thuyết, quá nhiều lời nói rỗng tuếch! Biết bao sự ô uế trong Giáo Hội, và ngay cả nơi những người, trong chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Người!"

Những lời phát ra từ Colosseum như một tiếng sấm vĩ đại, mang tính tiên tri, một lời tố cáo tan nát cõi lòng về những đau khổ mà Chúa Kitô phải gánh chịu không phải cho Giáo hội, mà là từ Giáo hội. Trong 16 năm kể từ đó, chúng ta biết rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã dành tiếng nói cho những nỗ lực của ngài trong việc làm sạch “ô uế” khỏi chức linh mục.

Có lẽ Đức Hồng Y Ratzinger đã được Dante nhắc nhở để nói như ngài đã nói. Một người bác học như Đức Hồng Y hẳn biết rằng Dante đã dựng vở Bi Kịch Thần Thiêng của ông trong một tuần lễ. Nó bắt đầu vào Thứ Năm Tuần Thánh trên ngưỡng cửa địa ngục và kết thúc một tuần sau đó trên thiên đàng trong Tuần Bát Nhật Lễ Phục sinh. Dante bắt đầu cuộc hành trình của ông qua Inferno (Hỏa Ngục) vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 25 tháng 3, mặc dù vào năm 1300, Thứ Sáu Tuần Thánh không rơi vào ngày đó.

Dante đã chọn nó vì sự thích đáng của nó. Khi Ý tuyên bố “Ngày Dante” vào năm ngoái để đánh dấu kỷ niệm 700 năm xuất bản Bi Kịch Thần Thiêng, nước này đã chọn ngày 25 tháng 3.

Dante không tự chế trước việc đối xử dữ dằn với những người phản bội chức vị giáo sĩ của họ, ngay cả những giáo phẩm cao cấp nhất. Trong Paradiso (Thiên Đàng), chính Thánh Phêrô xuất hiện, phát động cả một cuộc tấn công chống lại Đức Giáo Hoàng Boniface VIII. Nếu Trạm thứ chín của Đức Hồng Y Ratzinger có tiền lệ, thì Bi Kịch Thần Thiêng của Dante, khởi đầu cùng ngày này 705 năm trước đây, chính là tiền lệ đó.

Thứ Sáu Tuần Thánh bắt đầu tuần cửu nhật Lòng Chúa Thương Xót. Vào năm 2005, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đáng lẽ bắt đầu tuần này vào ngày 25 tháng 3 đáng nhớ đó, và khi hoàn thành, có lẽ ngài đã ở trên thiên đàng rồi. Vì cái chết của ngài được nhắc lại một cách đầy biết ơn vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, kỷ niệm bẩy trăm năm ngày mất của Dante, nên thật là an ủi khi nhớ rằng Dante nhà thơ cũng đã thực hiện cuộc hành trình lên thiên đàng vào thời gian đó, vào cùng những ngày đó.
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/267315.htm