Trang chủ

Samstag, August 29, 2020

 

Chúa Nhật XXII thường niên - Năm A

MẤT TRƯỚC ĐƯỢC SAU

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm. Vì không phải cứ thu vào là được. Không phải cứ buông ra là mất. Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Đó hầu như là qui luật trong đời sống hằng ngày. Ta dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư. Vốn lớn thì lời mới lớn.

Samstag, August 22, 2020

 

Chúa Nhật XXI thường niên - Năm A

PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1) Phêrô tuyên xưng đức tin

Phải luôn lẩn tránh những địch thù quấy nhiễu Ngài, Đức Giêsu dẫn dắt môn đệ của Người đi vào một chỗ những cuộc tĩnh tâm liên tiếp. Nó đặt cột mốc -vừa về địa lý, vừa về tinh thần- trên chặng đường tìm hiểu căn tính thực của Ngài.

Vừa trải qua cuộc tranh luận với Biệt phái, những kẻ xin Người làm một dấu lạ, này đây Đức Giêsu và các môn đệ sang miền đất dân ngoại, phía nguồn sông Giođan. Césarée Philipphe là thành phố mới được xây dựng do kinh phí của hoàng tử Philipphe, con của vua Hêrôđê Cả, có ý tôn vinh hoàng đế Rôma, nên đã đặt tên là Césarée. C. Tassin chú giải: Dân ở đây là người Siri gốc Hy Lạp, họ thờ cúng thần Pan và thần Nymphe, tạo nên một khung cảnh gần giống với môi trường mà Matthêu đang sống (L'Evange le de Matthieu” (Centurion, trang 173).

Chính tại đây, trước khi khởi hành đi Giêrusalem trong cuộc hành trình cuối cùng mà Đức Giêsu đặt câu hỏi quan trọng mà chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay.

- Con Người- Đức Giêsu hỏi, người ta bảo Con Người là ai?

+ Chúa đã dùng hình ảnh “Con Người”, một hình ảnh mầu nhiệm (xem Danien 7,13) mà Matthêu nhắc lại tới 30 lần trong chính Tin Mừng của ông, để nói về chính mình và sứ mạng của Người: một con người thực thụ có tương quan với Thiên Chúa Đấng Cứu độ.

+ Để đáp lại câu hỏi, các môn đệ đã nêu ra một loạt các ý kiến về Người. Mọi ý kiến đều coi Người là một nhân vật đóng vai trò quan trọng, như là Gioan Tẩy Giả đã sống lại từ cõi kẻ chết, như ngôn sứ Êlia mà dân chúng trông đợi trở lại để loan báo Chúa Cứu thế đến, như ngôn sứ Giêrêmia, một vị ngôn sứ phản kháng vì bị phản kháng, như một ngôn sứ nào đó.

- Còn anh em, Đức Giêsu hỏi thẳng ý kiến các ông, anh em bảo Thầy là ai? - Simon Phêrô trả lời, tuyên xưng đức tin “Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lúc này ông không những là phát ngôn viên của nhóm môn đệ, nhưng còn là gương mẫu cho việc tuyên xưng đức tin Kitô hữu.

Lời đáp của Phêrô, theo C. Tassin, nhắc lại một mẩu tuyên tín phụng vụ của Hội Thánh thời Matthêu (sđd). Trong đó người Kitô hữu tuyên xưng đức tin cách toàn vẹn.

“Thầy là Đấng Messia” (tiếng Hy Lạp Christos) nghĩa là Đấng được xức dầu mà các ngôn sứ đã tiên báo; Đấng đáp ứng lòng mong đợi bao thế kỷ của Israel, Đấng thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa nói với dân Người.

“Con” nghĩa là Đấng liên kết với Thiên Chúa bằng một dây liên hệ có một không hai.

“Của Thiên Chúa hằng sống” nghĩa là, theo truyền thống Kinh Thánh, là Thiên Chúa ban sự sống, còn theo quan niệm Kitô giáo, là Thiên Chúa, Đấng làm cho Đức Giêsu từ trong cõi kẻ chết sống lại.

“Con có phúc”, Đức Giêsu đã thốt lên câu đó, cũng là dạng thức Kinh Thánh của “Bát phúc” để chào mừng “con của Giona”, là người vừa nhìn nhận Người như “con của Thiên Chúa hằng sống”. Bởi vì Simon Phêrô không có thể công bố lời tuyên xưng này phát xuất từ thịt và máu, nghĩa là phát xuất từ bản tính nhân loại yếu giòn, nhưng chỉ có thể phát xuất từ cuộc mạc khải thần thiêng. “Bản văn không đề xuất cho Phêrô công lao đặc biệt nào, cũng không đề cao ông như một anh hùng của đức tin. Tác giả chỉ nhấn mạnh tính chính xác của đức tin nơi Phêrô, bởi vì nó đến từ một mạc khải thần thiêng” (C. Tassin).

2) Sứ mạng “đá” nền tảng của Phêrô.

Những lời long trọng mà Đức Giêsu phán chỉ về Simon Phêrô chỉ có trong Tin Mừng Matthêu.

“Anh là đá, trên đá này...”.

+ Trong Kinh Thánh sự thay tên đổi họ thường chỉ rằng sứ mạng Thiên Chúa trao làm cho người nhận thành một người mới. Cũng như Abram, khi được đổi thành Abraham thì thấy mình được giao sứ mạng trở nên “tảng đá duy nhất”, từ đó phát xuất cả một dân tộc (Is 51,1-2).

+ Trong ngôn ngữ Aramê “Kê-pha” “Đá” không phải là một tên riêng, nhưng chỉ là một danh từ. Đặt cho ông cái tên mới này, nó sẽ thay thế hẳn tên cũ, Đức Giêsu tỏ cho thấy Người giao cho ông một sứ mạng: ông sẽ là đá nền, đá tảng, đá sẽ bảo đảm cho toà nhà mà Người sẽ xây dựng được vững chắc.

“Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy...”.

+ Trong Kinh Thánh, từ “Hội Thánh” (nguyên ngữ mang ý nghĩa mời dự hội) chỉ cộng đoàn tôn giáo của Israel, cộng đoàn mà Thiên Chúa đã quy tụ giữa loài người để trở thành dân của Giao ước, dân -dấu chỉ lòng thương xót và tình thương của Thiên Chúa-.

+ Từ ngữ này được dùng ở đây, lần đầu tiên trong Tin Mừng Matthêu, ở trên đất ngoại giáo, để chỉ cộng đồng những người mà Đức Giêsu quy tụ, giữa các dân tộc tràn qua mọi biên giới để làm nên một dân của Giao ước mới, dân -dấu chỉ ơn cứu độ cho mọi người-.

Nếu cộng đồng này đứng trên tảng đá Phêrô thì quyền lực của sự chết cũng không thể phá đổ được.

“Thầy ban cho con chìa khá Nước Trời”.

+ Không nên nghĩ đến những chiếc chìa khóa hiện đại thời chúng ta, mà phải nghĩ đến những chìa khóa của những thành phố cổ, những lâu đài vua chúa. Loại chìa khóa giống như những thanh sắt khổng lồ mà người ta mang trên vai. Trao chìa khóa cho ai là trao cho người đó nhiệm vụ thủ tướng.

+ Trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời, Đức Giêsu làm cho Phêrô thành thủ tướng. Người trao cho ông quyền lực chính Người nắm giữ, như sách Khải Huyền diễn tả: “Đấng Chân Thật, Đấng Thánh, Đấng giữ chìa khóa của Đavit. Người mở ra thì không ai đóng lại được. Người đóng lại thì không ai mở ra được” (đoạn văn có liên quan với 22 trong bài đọc I).

Chức vụ trao cho ông ở đây là ở dưới đất; ông không phải người canh giữ cửa thiên đàng (C.Tassin): Phêrô là người bảo lãnh, là thông dịch viên của sứ điệp cứu rỗi của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.

“Sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

‘Cầm buộc’, ‘Cởi mở’ là những thuật ngữ vùng Palestine chỉ ý nghĩa đại khái: toàn bộ quyền lực, như thiết lập luật pháp, như loại trừ một ai ra khỏi cộng đoàn hoặc cho phép một ai gia nhập cộng đoàn.

+ Trong Mt 18,18 quyền cầm buộc cởi mở được hứa ban cho các môn đệ (ở số nhiều) như vậy không chỉ dành riêng cho Phêrô, nhưng Phêrô chia sẻ quyền đó với những người phụ trách khác.

* Dặn dò giữ im lặng

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kết thúc bằng một lời khuyến dụ ngược đời: “đừng nói với ai Người là Đấng Messia”. Tại sao có lời khuyến cáo này sau cuộc tuyên xưng đức tin cảm động như vậy? Chắc hẳn danh xưng “Messia” còn mang ý nghĩa mơ hồ, còn mang nhiều trông đợi có tính dân tộc quá khích, đi ngược lại sứ mạng mà Người nhận được từ Chúa Cha - phản ứng của Phêrô mà ta sẽ đọc trong Chúa nhật tới minh chứng điều đó.

Chỉ những ai mở tâm hồn đón nhận mạc khải thập giá mới hiểu chính xác danh xưng ấy. Thật vậy, chỉ dưới ánh sáng của cuộc Khổ nạn - Phục sinh, danh xưng Messia mới tìm thấy ý nghĩa đích thực, và mọi ngộ nhận sẽ vĩnh viễn bị dẹp tan.

BÀI ĐỌC THÊM:

1) “Thầy là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mgr. Daloz, trong cuốn “Le règne de Dieu est approché” Desclée de Brouwer 1993, trang 237-238).

“Đức Giêsu không chỉ là một tôn sư khởi xướng một trào lưu tâm linh; Người không phải một ngôn sứ được sai đến để cảnh tỉnh hoặc kêu gọi người ta trưởng thành với giao ước. Sự nhận biết Đức Giêsu vượt quá điều đó. Với những kẻ Chúa gọi và đã đi theo Người, Chúa đặt câu hỏi: Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai? Người cũng hỏi chúng ta câu đó. Người muốn chúng ta tiến tới, phát huy trong việc khám phá ra bản ngã đích thực của Người. Ta không thể tự thoả mãn khoác cho Người những mong ước của ta, hoặc phóng lên Người những ước vọng của ta. Cần phải đi xa hơn những ý kiến của những con người, cần lột bỏ những ấn tượng hời hợt, cần chấp nhận rằng không thể nắm bắt và không thể tóm gọn Người vào những ý tưởng và những ước muốn của ta. Như ta đã thấy đó, có một hiểu biết về Đức Giêsu theo cách loài người “Người ta bảo Thầy là ai?”. Từ thời Thượng cổ, trải qua giai đoạn lịch sử đã có rất nhiều câu giải đáp. Những giải đáp ấy vừa không vô nghĩa, vừa không đáng coi thường. Nhưng sự hiểu biết đích thực không chỉ của loài người đâu - Nó là do Thiên Chúa ban cho: “Không ai có thể biết Chúa Con chỉ trừ Chúa Cha” (11,27). Bởi vậy Đức Giêsu nói cho Phêrô biết do đâu ông có sức lực nhận biết và tuyên xưng đức tin của ông: “Simon con Giona, phúc cho con, vì không phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con điều đó, nhưng là chính Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Một con người, con người rặt, chính miệng Simon con ông Giona, nhận quyền do Thiên Chúa; quyền kêu đích danh xác thật của Đức Giêsu - Lời tuyên xưng của ông đã trở thành tiêu chuẩn cho các môn đệ Chúa mọi thời đại. Nhưng lời tuyên xưng nó đã không tránh cho ông chối Chúa 3 lần. Ông vẫn còn là con người phàm tục - còn mang tính người với những ưu và khuyết điểm của con người. Tuy nhiên ông được chọn để đáp câu hỏi của Đức Giêsu và để làm điều đó ông nhận được mạc khải do Chúa Cha ban - Từ đó ông trở nên tiêu chuẩn về sự chính xác cho mọi lời tuyên xưng đức tin và cho sự nhận biết chính xác về Thiên Chúa. Nhờ ông mà người tín hữu có thể vượt xa ngoài tầm vóc những lời người ta dư luận. Đức tin của ông nâng đỡ đức tin của chúng ta”.

2) “Con là Đá” (J.Potin trong cuốn “Jésus, l'histoire vraie”, Centurion, 1994, trang 322).

Hội Thánh của Đức Giêsu, ở đây Người kêu là “Hội Thánh của Người”, được xây dựng trên nền tảng là đức tin vào thiên tính của Người. Hội Thánh đó chỉ một mảng dân Israel chấp nhận đi vào giao ước mới. Simon, do việc tuyên xưng, đã trở nên viên đá tảng, trên đó Đức Giêsu xây “Hội Thánh của Người” bởi vì Hội Thánh đó là cộng đoàn những kẻ tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Ông nhận được tên mới: Kêpha, Đá - Quyền lực của tử thần (dịch theo chữ: quyền lực hoả ngục), nghĩa là mọi thế lực nhằm chống lại sự thiết lập vương quốc, không có sức phá đổ Hội Thánh đó. Mà ngược lại, Đức Giêsu sẽ ban cho Hội Thánh của Người quyền và thế mà Ngài thi hành ở trong tay Người. Thiên Chúa công nhận Hội Thánh của Con của Người chính thức là dụng cụ đặc trưng để điều hành vương quốc của Người giữa loài người. Những phát quyết và nghị định của Hội Thánh này được Thiên Chúa công nhận là do Chúa ban hành.

Phải chăng Đức Giêsu phán những lời này trong khi đi đường lên Giêrusalem? Có nhiều nhà chú giải đặt những lời này sau biến cố Phục sinh, trong một cuộc hiện ra. Thật vậy, trước khi Chúa chết, từ “Hội Thánh chỉ thấy xuất hiện có một lần duy nhất ở Mt 18,17 nói về đời sống của cộng đồng Kitô hữu.

Lời tuyên bố với Phêrô xem ra diễn tả cách Hội Thánh sơ khai hiểu về chính mình: Hội Thánh tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa. Simon Phêrô đã là phát ngôn viên của lời tuyên xưng. Lời tuyên bố cũng có liên hệ với việc đổi tên Simon ra Kêpha: Đá. Trong tiếng Aramê, Đá không phải là một tên riêng. Tên mới này chí tính cách vững bền của đá tảng mà người ta có thể xây an tâm trên đó... Phêrô là đá tảng mà Đức Giêsu sẽ xây Hội Thánh của Người. Do đó Người sẽ trao ông địa vị ưu tiên trên nhóm Mười Hai. Ông được Hội Thánh nhìn nhận dưới cái tên mới và coi như quên hẳn cái tên cũ kia”.

Nguồn: http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN2/suyniem_INDEX.htm

Samstag, August 15, 2020

 

Chúa Nhật XX thường niên - Năm A

TIN YÊU SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ
THEO GƯƠNG ĐỨC MẸ

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Đoạn Tin Mừng hôm nay thật lôi cuốn. Lôi cuốn trước hết ở diễn tiến bất ngờ của phép lạ. Bất ngờ đầu tiên: người phụ nữ ngoại đạo dám đến xin phép lạ cho con mình. Người ngoại với người Do Thái không bao giờ liên hệ với nhau. Với người phụ nữ ngoại giáo, khoảng cách càng xa diệu vợi. Thế mà người phụ nữ này dám vượt qua hết những rào cản để đến với Chúa. Bất ngờ thứ hai: Chúa đã có thái độ từ chối quyết liệt. Từ chối bằng im lặng không trả lời. Từ chối thẳng thừng bằng lời nói quyết liệt: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel thôi”. Và căng thẳng đến tàn nhẫn: “Không được lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con”. Bất ngờ thứ ba: người phụ nữ chấp nhận tất cả những thử thách, và đã có câu trả lời thông minh: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Thật là khiêm tốn, nhưng cũng đầy tin tưởng. Thật bất ngờ mà cũng thật đẹp đẽ.

Lôi cuốn ở nét đẹp tâm hồn người phụ nữ. Ẩn sâu trong vẻ đẹp của thái độ người phụ nữ ngoại đạo, ta thấy nổi bật hai phẩm chất cao quí đó là: Tin và Yêu. Yêu con tha thiết nên bà không thể nhẫn tâm ngồi nhìn ma quỷ hành hạ đứa con yêu quí. Yêu con tha thiết nên bà không ngần ngại đi tìm thầy tìm thuốc ở khắp mọi nơi, kể cả những nơi bị coi là cấm kỵ. Yêu con tha thiết nên bà chấp nhận tất cả, không chỉ sự mệt nhọc tìm kiếm mà cả sự dửng dưng lạnh nhạt và nhất là sự khinh khi nhục mạ. Yêu con nên bà tin Chúa. Tin Chúa có quyền năng thống trị ma quỷ. Tin Chúa có lòng thương xót sẽ ra tay cứu chữa. Tin Chúa có trái tim rộng mở sẽ không phân biệt người ngoại kẻ đạo. Tin và Yêu giống như đôi cánh đã giúp người phụ nữ bay lên rất cao và bay đi rất xa. Cao lên tới Thiên Chúa. Xa khỏi những ngăn cách trắc trở. Tin và Yêu giống như giòng thác nước. Càng gặp đập ngăn cản càng dâng lên cao. Càng dâng lên cao sức mạnh càng tăng. Và khi đổ ào xuống sẽ phát sinh công hiệu quả lớn. Tin và Yêu giống như chiếc chìa khoá vạn năng có thể mở được mọi cánh cửa. Mở được cánh cửa Nước Trời. Mở được cả tâm hồn Thiên Chúa.

Trong bối cảnh của Năm Thánh Thể, thái độ người phụ nữ ngoại đạo khiến ta liên tưởng đến Đức Mẹ, người phụ nữ Thánh Thể. Người phụ nữ ngoại đạo này là một bà mẹ hiền. Vì thương con đói khổ nên bà đã lặn lội đi tìm tấm bánh về nuôi con. Vì thương con nên bà chấp nhận tất cả mọi vất vả, khổ cực, nhục nhã. Và Chúa đã thưởng công bà. Bà chỉ mong tìm được những mẩu bánh vụn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã ban cho bà trọn vẹn tấm bánh thơm ngon của những đứa con. Bà chỉ mong được như lũ chó con chực chờ thức ăn dư thừa từ bàn chủ rơi xuống. Nhưng Chúa đã cho bà và con gái bà được đồng bàn với con cái Chúa. Chúa đã ban cho bà tấm bánh hạnh phúc. Đó là tấm bánh cứu độ. Cho bà được gia nhập gia đình Chúa, trở nên con cái Chúa. Bà đã mở được đường lên Nước Trời, đã làm cho Chúa thay đổi chương trình, thu nhận dân ngoại vào Nước Chúa.

Cũng thế, Đức Mẹ là người mẹ rất hiền từ. Vì thương yêu chúng ta nên Mẹ cũng lặn lội đi tìm cho ta tấm bánh hạnh phúc. Mẹ đã trao ban cho ta tấm bánh cứu độ. Đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Nếu hiểu rằng Thịt Máu Chúa Giêsu Thánh Thể cũng chính là thịt máu Mẹ đã cưu mang trong lòng, ta mới rõ Đức Mẹ là người Mẹ hiền đã tìm cho con cái tấm bánh cứu độ thơm ngon hạnh phúc. Và để có được tấm bánh đó, Đức Mẹ đã phải chịu rất nhiều vất vả, đau đớn, khổ nhục như lời tiên tri Simêon tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Chính nhờ Mẹ, ta được ăn bánh các thiên thần, được đồng bàn với thần thánh, được nên con Thiên Chúa.

Không những ban cho ta tấm bánh cứu độ, Đức Mẹ còn dạy ta sống bí tích Thánh Thể trong đức tin và tình yêu.

Đức Mẹ dạy ta hãy tin thật Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, noi gương Mẹ khi xưa nghe lời thiên thần truyền tin đã hoàn toàn tin rằng bào thai trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa.

Đức Mẹ dạy ta hãy tin vào quyền năng của Chúa. Như xưa tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã bảo các gia nhân: “Người bảo gì thì hãy cứ làm theo”. Hôm nay, trong Năm Thánh Thể, Đức Mẹ cũng muốn nói với ta: Nếu Chúa đã dạy: “ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, thì hãy sốt sắng tin tưởng cử hành bí tích Thánh Thể. Hãy vững tin vì Đấng đã có thể biến nước lã hoá thành rượu ngon cũng có thể làm cho bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người.

Đức Mẹ dạy ta hãy luôn hướng về bí tích Thánh Thể như xưa Mẹ đã theo Chúa Giêsu trên mọi bước đường, dù gian nan khổ cực.

Đức Mẹ dạy ta dâng mình làm hy lễ. Như xưa Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá, cùng Chúa Giêsu dâng hiến những đau khổ làm hy lễ dâng Thiên Chúa Cha.

Và cũng như xưa Đức Mẹ đã đem Chúa Giêsu đến với bà Elisabet, đem lại niềm vui lớn lao cho bà, vì đã cho Thánh Gioan Baotixita được khỏi tổ tông truyền khi còn trong lòng mẹ, Đức Mẹ cũng dạy ta khi sống bí tích Thánh Thể, hãy trở nên những nhà tạm sống động đem Chúa Giêsu Thánh Thể đến khắp mọi nơi, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

Hôm nay khi cho người phụ nữ ngoại đạo được tấm bánh của con cái, được đồng bàn với con cái Chúa, Chúa cho bà được gia nhập dân riêng Chúa. Điều đó nhắc nhở ta khi sống bí tích Thánh Thể cũng hãy chăm lo việc truyền giáo, đi quy tụ nhiều người về bàn tiệc Thánh Thể, vào dự tiệc Nước Trời. Đức Mẹ La Vang luôn quan tâm đến việc truyền giáo, nên Mẹ không ngừng yêu thương và ban ơn lành cho những lương dân chạy đến với Mẹ. Trong những buổi cử hành sắp tới, ta sẽ được nghe những chứng từ rất sống động về tình thương của Mẹ.

Đức Mẹ là thầy dạy về bí tích Thánh Thể một cách tuyệt hảo. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị khuyên mời ta hãy đến nơi trường của Đức Mẹ. Hôm nay, họp nhau đông đảo về đây, ta hãy tạ ơn Mẹ La Vang đã ban cho ta Chúa Giêsu là tấm bánh cứu độ hạnh phúc. Ta hãy xin Mẹ dạy ta biết sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời. Hãy noi gương Mẹ đem Thánh Thể đến khắp các nẻo đường, quy tụ một dân đông đảo về dự tiệc Thánh Thể, dự tiệc Nước Chúa.

Lạy Mẹ La Vang xin nhận lời chúng con. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bí quyết nào khiến bà mẹ ngoại đạo đạt được ước nguyện?

2) Người phụ nữ ngoại đạo nêu gương cầu nguyện cho ta thế nào?

3) Đức Mẹ đã sống đức tin vào tình yêu thế nào trong cuộc đời?

Nguồn: http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN2/suyniem_INDEX.htm

 Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Bẩy Lễ Đức Mẹ Lên Trời

J.B. Đặng Minh An dịch

15/Aug/2020

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Thứ Bẩy Lễ Đức Mẹ Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng việc Đức Mẹ lên Thiên đàng là một thành tựu lớn hơn vô hạn so với những bước đầu tiên của con người trên mặt trăng.

Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ bài huấn đức của ngài:


Anh chị em thân mến,

Khi con người đặt chân lên mặt trăng, có một câu nói đã trở nên nổi tiếng ‘Một bước đi nhỏ đối với một người, một bước nhảy vọt cho nhân loại’. Thực tế, nhân loại đã đạt đến một cột mốc lịch sử. Nhưng hôm nay, trong ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời, chúng ta cử hành một sự chinh phục vĩ đại hơn nhiều. Đức Mẹ đã đặt chân lên thiên đàng: Mẹ đến đó không chỉ bằng tinh thần, mà còn bằng thể xác, với tất cả con người của Mẹ. Bước tiến này của Trinh nữ khiêm hạ thành Nazareth là bước nhảy vọt của nhân loại. Đặt chân lên mặt trăng chẳng đem lại cho chúng ta bao nhiêu, nếu chúng ta không sống như anh chị em với nhau trên Mặt đất này. Nhưng một người trong chúng ta sống trên Thiên đàng trong thân xác bằng xương bằng thịt mang lại cho chúng ta hy vọng: chúng ta hiểu rằng chúng ta là quý giá, và được tiền định để phục sinh. Thiên Chúa sẽ không để thân xác chúng ta tan biến vào hư vô. Với Chúa sẽ không có gì bị mất! Nơi Đức Maria, mục tiêu này đã đạt được và chúng ta có lý do trước mắt chúng ta để tiếp tục cuộc lữ hành: không phải để giành được những điều ở dưới thế này, là những thứ sẽ tan biến, nhưng là giành lấy những sự vĩnh cửu trên trời. Và Đức Mẹ là ngôi sao dẫn lối cho chúng ta. Như Công đồng dạy: “Mẹ chiếu sáng như một dấu chỉ niềm hy vọng chắc chắn và niềm an ủi cho Dân Chúa trong cuộc lữ hành trần thế” (Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân - Lumen Gentium, 68).

Đức Mẹ khuyên bảo chúng ta điều gì? Trong Phúc Âm ngày hôm nay, điều đầu tiên Mẹ nói với chúng ta rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1:46). Chúng ta thường nghe những lời này đến mức có lẽ chúng ta không còn để ý đến ý nghĩa của những lời đó nữa. “Ngợi khen” theo nghĩa đen là ‘phóng đại’, là làm cho lớn ra. Trong cuộc sống của Mẹ không phải là không có những vấn đề, nhưng Mẹ vẫn ngợi khen Thiên Chúa. Chúng ta thì ngược lại, chúng ta để cho mình bị đè bẹp trước những khó khăn và sợ hãi! Đức Mẹ không để mình đầu hàng như thế, vì Mẹ đặt Chúa như là Đấng vĩ đại trước hết trong cuộc đời. Từ đây, lời Ngợi Khen được bùng lên, từ đây niềm vui phát sinh: không phải vì trong cuộc sống không có vấn đề, là những điều sớm muộn cũng sẽ đến, nhưng từ sự hiện diện của Chúa. Bởi vì Chúa là Đấng vĩ đại. Và trên hết mọi sự, Ngài nhìn đến những người bé nhỏ. Chúng ta là yếu điểm yêu thương của Ngài: Thiên Chúa nhìn đến và yêu mến những người bé nhỏ.

Trong thực tế, Mẹ Maria tự nhận mình nhỏ bé và tán dương “những điều cao cả” (c. 49) mà Chúa đã làm cho Mẹ. Những điều cao cả ấy là gì? Thưa trước hết và trên hết đó là món quà bất ngờ của sự sống: Đức Maria là một trinh nữ và mang thai; và cả Elizabeth, người đã già, đang mong có một đứa con. Chúa tác thành những điều kỳ diệu với những người nhỏ bé, với những người không tin mình là vĩ đại nhưng trong cuộc sống lại dành không gian rộng lớn cho Chúa. Ngài mở lòng thương xót đối với những ai tin cậy nơi Ngài và nâng cao những kẻ khiêm nhường. Đức Maria ngợi khen Chúa về điều này.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta có nhớ ngợi khen Chúa không? Chúng ta có tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm cho chúng ta không? Chúng ta có tạ ơn Chúa vì mỗi một ngày Ngài ban cho chúng ta, vì tình yêu, và ơn tha thứ cùng sự dịu dàng của Ngài. Và còn hơn thế nữa, Chúa đã ban cho chúng ta Mẹ của Người, và những anh chị em mà Chúa đặt để trên đường đời của chúng ta. Nếu chúng ta quên đi những điều tốt đẹp, con tim chúng ta sẽ co lại. Nhưng nếu, như Mẹ Maria, chúng ta nhớ đến những điều vĩ đại mà Chúa làm, dù chỉ một lần trong ngày, chúng ta sẽ ngợi khen Ngài, và đó sẽ là một bước tiến dài. Con tim sẽ rộng mở, niềm vui sẽ tăng lên.

Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ là cửa Thiên đàng ban cho chúng ta ân sủng biết bắt đầu mỗi ngày bằng cách ngước nhìn lên trời, hướng về Thiên Chúa, để thưa với Người: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa!” như những người nhỏ bé thưa lên cùng Đấng Cao Cả. “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa!”

Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/257956.htm

 

MUÔN ĐỜI GỌI TÔI ‘BÀ CÓ PHƯỚC’

 

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một trong những nguồn cảm hứng phong phú nhất cho các nghệ sĩ để họ có thể sáng tạo một tác phẩm nào đó mà ngợi khen Đức Mẹ, thì đó chính là kinh Magnificat chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng ngày kính trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời hôm nay.

Riêng tôi, tôi vẫn yêu quý những câu chữ mộc mạc dệt trong bản bình ca chơn chất Magnificat của cố linh mục Maria Giuse Nguyễn Văn Thích, một mục tử gương mẫu, một nhân tài cũng là một hiền giả của Tgp. Huế, “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và trí khôn tôi nhảy mừng trong Chúa cứu chuộc tôi, vì Người đoái xem phận tớ hèn; rày từ này, muôn đời gọi tôi ‘Bà có phước’ vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều lớn lao, và danh Người là chí thánh; và lượng từ bi đối với kẻ kính sợ Người…”.

Những lời mở đầu ấy của Magnificat hé lộ cho chúng ta biết ‘Bà có phước’ là ai, Mẹ Maria là ai. ‘Bà có phước’ là người đã dành trọn cả cuộc đời mình để công bố sự vĩ đại của Thiên Chúa, như bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lột tả, “My soul proclaims the greatness of the Lord”, linh hồn tôi cao rao sự vĩ đại của Thiên Chúa; và điều đó làm cho Mẹ liên lỉ hỷ hoan vui mừng; thứ đến, ‘Bà có phước’ là người khiêm nhượng đến mức hoàn hảo, vì thế, Mẹ được Chúa cất nhắc lên qua muôn thế hệ, ‘để muôn đời gọi tôi ‘Bà có phước’’; và sau cùng, ‘Bà có phước’ là người được Chúa thực hiện những điều lớn lao cũng là người được bao phủ trong ơn thánh, ‘vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều lớn lao và danh Người là chí thánh’.

Bởi thế, việc Giáo Hội mừng kính long trọng ngày lễ hôm nay cho thấy chính Thiên Chúa, chứ không chỉ con người, nhìn nhận sự cao cả của Đức Mẹ. Thiên Chúa đã không để ‘Bà có phước’ nếm lấy sự đắng cay của cái chết cũng như bất cứ một hậu quả nào do tội lỗi gây nên. ‘Bà có phước’ là Mẹ Thiên Chúa như Giáo Hội đã tuyên tín rất sớm vào những thế kỷ đầu tiên cũng là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, hoàn hảo mọi bề từ lúc được thụ thai cho đến ngày hồn xác lên trời, ngự trị với muôn thần thánh bên Chúa Cha, Chúa Con như một Nữ Hoàng đến vạn đời.

Với nhiều người, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ xem ra khó hiểu, bởi lẽ, nguyên cuộc đời của Mẹ cũng đã là một trong những mầu nhiệm lớn lao thuộc về niềm tin của chúng ta. Thánh Kinh nói rất ít về Mẹ, thế nhưng, sẽ có rất nhiều điều nói về Mẹ qua mọi thời bởi sự khiêm nhu của Mẹ vốn đã được nhìn nhận; cũng như sự cao cả của Mẹ vốn mãi ngời sáng để con người mọi thời có thể nhìn thấy bao điều cao cả Thiên Chúa đã làm nơi Mẹ.

‘Bà có phước’ là đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, nghĩa là không mắc tội, vì hai lý do. Trước hết, Thiên Chúa gìn giữ Mẹ khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được đầu thai bởi một ân sủng đặc biệt; chúng ta gọi ơn này là “đặc ân được chở che”. Như Adam, Eva, Mẹ được thụ thai mà không mắc tội; nhưng khác với Adam, Eva, Mẹ được thụ thai trong trật tự của ân sủng, Mẹ được cứu thoát bởi ân sủng, ân sủng mà Con của Mẹ ngày kia sẽ mang đến và đổ xuống cho thế giới; ân sủng này vượt thời gian, bao phủ Mẹ ngay từ khi Mẹ được tượng thai.

Lý do thứ hai, Mẹ được gọi là đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội vì Mẹ khác với Adam, Eva, Mẹ không bao giờ phạm tội. Bởi thế, Mẹ là một Eva mới, một người Mẹ mới của mọi sinh linh, của tất cả những ai sống trong ân sủng của Chúa Giêsu Kitô. Và như một kết quả, nhờ hồng ân Vô Nhiễm Nguyên Tội và sự tự do chọn lựa liên lỉ sống trong ân sủng Chúa nơi Mẹ mà Thiên Chúa đã cho hồn xác Mẹ về trời sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế. Hiểu được như thế, mầu nhiệm này không còn quá khó đối với chúng ta. Mẹ hợp hoan cùng Chúa vì Con ở đâu, Mẹ sẽ ở đó và cả chúng ta nữa, những người sống trong ân sủng Chúa, ngày kia cũng được vui hưởng thánh nhan Cha trên trời như Mẹ mà Đức Giêsu Kitô là trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc. Đó là những lý do để chúng ta vui mừng trong ngày đại lễ hôm nay.

Trong tông hiến Thiên Chúa Vô Cùng Đại Lượng của Đức Piô XII, vị Giáo Hoàng công bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời đã trích lời của thánh Gioan Đamas, “Đấng đã bảo toàn được nguyên vẹn đức đồng trinh khi sinh con hẳn cũng giữ gìn được cho thân xác mình khỏi mọi hư hoại khi lìa đời. Đấng đã bồng ẵm Tạo Hoá trong lòng mình như bồng ẵm một bé thơ phải được cư ngụ trong nhà Thiên Chúa. Đấng được Chúa Cha nhận làm hiền thê hẳn phải được ở trong loan phòng thiên quốc. Đấng đã ngắm nhìn Con mình trên thập giá và chịu lưỡi gươm đau đớn đâm thâu tâm hồn, lưỡi gươm đã tránh được lúc sinh Con, hẳn phải được ngắm nhìn người Con ấy đang ngự bên hữu Chúa Cha. Đấng làm Mẹ Thiên Chúa phải được những gì thuộc về Con mình và được mọi thụ tạo tôn kính như Thân Mẫu Thiên Chúa và như nữ tỳ của Người”.

Trong kinh tiền tụng hôm nay, Hội Thánh đọc, “Chúa không muốn Người chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Con Chúa yêu quý, là Ðấng ban sự sống cho mọi loài”.

Anh Chị em,

‘Bà có phước’ đó là ai? Đó là Mẹ của chúng ta, một người Mẹ được Thiên Chúa yêu thương đến thế đó; một người Mẹ thiên quốc quyền phép vô song nhưng cũng là một người Mẹ đang rất gần gũi chúng ta vì Mẹ là “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, là “Nữ Vương các thánh tông đồ”, cũng là “Nữ Vương ban sự bình an”.

Chuyện kể rằng, trên một vùng núi cao Nam Mỹ, có một bộ tộc rất hiếu chiến, chuyên ăn thịt người. Ngày kia, họ đột ngột tấn công các làng ở đồng bằng. Không chỉ cướp lương thực, của cải, họ còn bắt một em bé ba tuổi lên núi. Trai tráng trong làng đã cách này cách khác cố sức tìm kiếm nhưng không tài nào vượt núi để tìm ra nơi giam giữ đứa trẻ. Sau những ngày vô vọng, họ bỏ cuộc quay về. Nhưng kìa, đang khi dỡ trại, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một phụ nữ từ phía núi băng xuống. Không tin vào mắt mình khi họ thấy sau lưng bà là một đứa bé, họ hỏi, “Làm sao điều này có thể xảy ra?”; bà chỉ nhún vai trả lời, “Đứa bé không phải là con của các anh!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết, Mẹ Maria là Mẹ của con. Lạy ‘Bà có phước’, Nữ Vương uy quyền, xin chở che con, để con cũng luôn cao rao sự vĩ đại của Thiên Chúa; không chỉ ‘khi nay’ nhưng mãi cho đến giờ lâm tử”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

Tác giả:  Lm. Minh Anh, TGP. Huế

Samstag, August 08, 2020

 

Chúa Nhật XIX thường niên - Năm A

CON ĐƯỜNG CỦA CHÚA

 ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao giữa lúc dân chúng đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín của Người dâng cao như núi, Người lại bỏ đi? Trong Phúc Âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói rõ lý do. Nhưng Phúc Âm thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15). Thật là một quyết định khác thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công truyền giáo khổ cực.


Không, con đường của Chúa thì khác với con đường của ta.

Con đường của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con đường của Thiên Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một người tội lỗi nữa. Khi nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống. Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc thang, nhưng theo những mục đích khác nhau. Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao. Ai cũng muốn lên cao trong đời sống vật chất. Ai cũng muốn leo cao trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang để đi xuống. Từ trời Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa còn xuống làm một người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại.

Con đường ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16, 24). Trong các trường đại học người ta quảng cáo: ai học trường này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương. Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).

Chính Chúa Giêsu không đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người bằng những thành công lẫy lừng, những phép lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con đường đau khổ, con đường thập giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay, vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con đường khiêm nhường bé nhỏ, Người đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các môn đệ bị nhiễm thói kheo khoang, phô trương, quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền sang bờ bên kia trước.

Đây không phải lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui giục Người bỏ con đường khiêm nhường, đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông ngăn cản Thầy ra đi chịu chết (x. Mt 16,23). Cơn cám dỗ khốc liết tiếp tục trong vườn Giệt-sê-ma-ni khiến Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26, 39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người: “Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để chúng tôi tin” (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh gian khổ.

Bản thân ta và Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi.

Quá khứ đã minh chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt bớ, Hột Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì đang đi vào con đường của Chúa.

Là môn đệ Chúa, ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không?

2) Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó, khiêm nhường?

3) Tôi có sẵn sàng đi vào con đường của Chúa không?

Nguồn: http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN2/suyniem_INDEX.htm

Dienstag, August 04, 2020

Chuẩn bị một bài giảng đáng nhớ và hiệu quả
Douglas Sousa
26/Jul/2020


Giúp soạn bài giảng – tư liệu giúp soạn một bài giảng tốt.


Như một phần sứ vụ của tôi là cung cấp tư liệu cho việc truyền đạt Lời Chúa, tôi sẽ mô tả những nét chính của một chuỗi các đề mục để làm sao chúng ta có thể soạn được một bài giảng tốt. Trong tiến trình các bước, chúng tôi hy vọng không chỉ cung cấp cho đọc giả những bước cần thiết để xây dựng một bài giảng hiệu quả nhưng còn cho thấy ý nghĩa thần học của một bài giảng cũng như vai trò của bài giảng trong phụng vụ. Hướng đến mục tiêu đó, tôi sẽ bắt đầu nói đến mục đích của bài giảng là gì, vai trò của bài giảng trong phụng vụ và chỗ đứng của bài giảng trong việc hình thành Dân Chúa.

MỤC ĐÍCH CỦA BÀI GIẢNG

PHẦN GIỚI THIỆU

Sau lễ Ngũ Tuần, khi các cộng đoàn Kitô hữu Palestine bắt đầu xuất hiện thì ở đó chưa có một cuốn Tân Ước nào. Tất cả những gì làm nên Thánh Kinh của các Kitô hữu đều được bắt đầu trước tiên với Lời rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Các tông đồ đã làm một lúc hai việc. Họ kể lại câu chuyện cuộc đời Chúa Giêsu, sự chết và sự phục sinh của Ngài; sau đó, được Cựu Ước soi sáng, các ngài chứng thực Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, đỉnh cao của mọi lời hứa Thiên Chúa dành cho con cái Abraham và cho mọi dân mọi nước. Chính việc rao giảng của các tông đồ trong quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội được quy tụ và thiết lập. Giáo Hội, tự cốt lõi là sự tập hợp tất cả những ai tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu cũng là Tin Mừng các tông đồ rao giảng. Do đó, trong suốt lịch sử của mình, việc rao giảng là trọng tâm bản sắc, sứ vụ và đời sống của Giáo Hội.

Thông thường, việc giảng thuyết xảy ra ở các diễn đàn công cọng như các khu chợ hoặc các đường phố; tuy nhiên, một khi Giáo Hội đã bén rễ và lan rộng, việc rao giảng ngày càng phải diễn ra trong bối cảnh cử hành Thánh Thể. Vị trí của bài giảng trong Thánh Lễ mang đến cho nó một mục đích và một ý nghĩa khác biệt đáng kể so với bất cứ một loại hình diễn văn hay diễn thuyết nào.

Bài giảng là một hành vi thờ phượng hơn là một bài giáo lý hay một bài cỗ võ đạo đức. Điều này luôn luôn cần được ghi nhớ trong khi chuẩn bị bài giảng hoặc lắng nghe bài giảng. Và với suy nghĩ này, chúng ta bắt đầu bàn đến mục đích của bài giảng.

Vậy những ai mang lấy trách nhiệm cao cả của việc bước lên bục giảng để giảng Lời Chúa sẽ hy vọng đạt được điều gì? Theo tôi, mục đích của bài giảng và nhiệm vụ của người giảng có thể được tóm tắt với ba chữ “I” viết tắt. 1. Illustrate, hãy minh họa; 2. Instruct, hãy hướng dẫn; và 3. Invite, hãy mời gọi.


1. HÃY MINH HOẠ

Thông thường, theo sự khôn ngoan, mỗi bài giảng nên bắt đầu bằng một câu chuyện để thu hút sự chú ý của cộng đoàn và giới thiệu chủ đề. Chính Chúa Giêsu đã hiểu sức mạnh của việc kể chuyện, Ngài đã sử dụng các dụ ngôn để giảng về Nước Trời. Tương tự như thế, câu chuyện về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cũng là trọng tâm rao giảng của các tông đồ. Những câu chuyện là một công cụ hữu hiệu trong việc giảng dạy bởi chúng lôi kéo trí tưởng tượng của cộng đoàn vào việc tìm kiếm đức tin và sự hiểu biết. Các câu chuyện sẽ rọi sáng một trong những mục đích trọng tâm của bài giảng và làm sáng tỏ bằng cách nào Lời Chúa được rao truyền bởi các tiên tri, bởi Chúa Giêsu và bởi các tông đồ vẫn đang có ý nghĩa cho thời đại chúng ta. Niềm vui cũng như thách đố của cuộc sống hiện đại là những tiếng vang của những cuộc chiến và ủi an được tìm thấy trong Thánh Kinh. Nhiệm vụ của người giảng chính là sử dụng Thánh Kinh để làm sáng tỏ bất cứ vấn đề nào có thể gặp phải nơi những người đang dự lễ, hoặc ở cấp độ cá nhân (những căng thẳng, thất nghiệp, cuộc sống gia đình, .v.v.) hoặc ở cấp độ liên cá nhân (vấn đề vô gia cư, kinh tế, phá thai, .v.v.).

Với niềm tin rằng, Thánh Kinh là kim chỉ nam chắc chắn cho cuộc sống thế kỷ hai mươi mốt, người giảng tìm cách giúp cộng đoàn thấy rõ bằng cách nào Lời Chúa vốn đã được công bố hàng ngàn năm vẫn có thể áp dụng cho những lựa chọn của chúng ta hôm nay. Những câu chuyện, dù được lấy từ hạnh các thánh hay một tờ báo nào đó vẫn là một phương tiện hữu ích để thực hiện mục đích này. Tuy nhiên, chúng không nhất thiết là cách duy nhất. Cũng có thể đặt cho cộng đoàn những thách đố khi mời họ nghĩ đến cách thức áp dụng Tin Mừng vào trong cuộc sống thường ngày của mình bằng việc đưa ra một chuỗi các câu hỏi (chẳng hạn yêu thương là gì? Chúng ta làm gì khi yêu thương? ) hoặc đơn giản là nêu rõ Tin Mừng phải áp dụng đúng đắn thế nào trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống (trả thuế, nuôi con). Điều quan trọng là bài giảng không luôn luôn phải làm sáng tỏ một điểm nào đó nhưng quan trọng là, bất cứ phương tiện nào mà người giảng đã chọn lựa đều phải có khả năng lưu lại nơi mỗi thành viên của cộng đoàn một thách đố mà họ sẽ mang về nhà, trường học, nơi làm việc những lời mà họ đã nghe công bố trong phần phụng vụ này. Do đó, một trong những mục đích hàng đầu của bài giảng là rọi chiếu thế nào để lời mời gọi hãy sám hối và tin vào Tin Mừng của Chúa Kitô được sống trong thế giới của ngày hôm nay.

2. HÃY HƯỚNG DẪN

Cách chung, trước Công Đồng Vaticano II, vị giảng lễ dùng toà giảng để hướng dẫn cộng đoàn về các vấn đề đức tin và luân lý. Lắm lúc, vị giảng lễ đưa ra một chuỗi các suy niệm vào một số Chúa Nhật về các ơn của Chúa Thánh Thần hoặc tám mối phước thật mà không cần biết chúng có liên quan đến các bài đọc Chúa Nhật hôm đó hay không; và nếu quả như thế thì bài giảng đã thật sự xa rời phụng vụ.

Như vậy, thay vì là một phần không thể thiếu của buổi cử hành phụng vụ bắt nguồn từ các chủ đề của Thánh Kinh vừa được công bố, thì bài giảng xem ra đã là một cái gì được ghép vào cách thô thiển lên phần còn lại của phụng vụ. Bài giảng giờ đây tạo nên một sự nghi ngờ rằng, xem ra vị giảng lễ đã phải tìm một cái gì đó bên ngoài các bài đọc để nói, và như thế, những bài đọc của ngày hôm ấy không có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của cộng đoàn hôm nay.

Suốt 55 năm qua, vai trò của bài giảng đã được dịch chuyển, nó đã được coi là một phần không thể thiếu của Phụng Vụ Lời Chúa; bài giảng đưa ra các chủ đề vốn được rút ra từ các bản văn Thánh Kinh và phụng vụ của ngày lễ. Nói như thế không có nghĩa là giờ đây nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn không còn là chủ tâm của người giảng lễ, không phải vậy. Nhưng với ảnh hưởng ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông thế tục và sự suy giảm chất lượng của nền giáo dục cộng đồng, nên việc hướng dẫn những chân lý đức tin và giải thích rõ ràng các giáo huấn luân lý của Giáo Hội cũng quan trọng như nó đã từng quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải lấy gợi ý từ các bài đọc trong ngày. Sách các bài đọc là sách Giáo Hội dẫn các suy tư của chúng ta xuyên suốt các mùa phụng vụ; nó bảo đảm các chân lý nòng cốt của đức tin như Nhập Thể, Khổ Nạn, Phục Sinh, Hiện Xuống.v.v. vốn được chiêm ngắm và cử hành liên lỉ.

Và như thế, Thánh Kinh phải là nguồn tư liệu hướng dẫn của người giảng lễ. Vị giảng lễ không bao giờ được phép quên rằng, bài giảng có thể là cơ hội duy nhất để nhiều tín hữu được nghe giáo huấn của Giáo Hội vốn được trình bày một cách rõ ràng và đầy đủ. Vì thế, một trong những mục đích trung tâm của bài giảng là dẫn dắt tín hữu đến với những chân lý đức tin Công Giáo của chúng ta.

3. HÃY MỜI GỌI

Lời Chúa không chỉ mang ý nghĩa để lắng nghe mà còn để hành động. Khi Lời Chúa được rao giảng một cách hiệu quả, nó gợi lên một sự đáp trả từ phía người nghe cho dù đó là một ao ước điều chỉnh cuộc sống hay để thực hiện một cam kết sâu sắc hơn của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của mình. Vì thế, một trong những mục đích chính của bài giảng là mời gọi cộng đoàn hoán cải. Mời gọi này lặp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu khi Ngài bắt đầu sứ vụ công khai khắp miền Galilê kêu gọi mọi người “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Lời mời gọi này tiếp tục là nhiệm vụ của toàn thể Giáo Hội hôm nay, kêu mời mọi người nhớ đến tình yêu của Chúa Kitô và thiết lập lại các giá trị và ưu tiên của họ sao cho phù hợp với tình yêu Ngài.

Tự nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc sống tốt hơn với những quyết định và cam kết; điều tương tự cũng đúng với những chiều kích thiêng liêng. Khi Lời Chúa khuấy động tâm hồn, nó dẫn chúng ta đến việc thay đổi đời sống mà chúng ta cử hành trong các bí tích; Lời Chúa hướng chúng ta về phía các bí tích. Và như vậy, mục đích của bài giảng không chỉ là mời người nghe hoán cải nhưng còn mời họ thực hành sự hoán cải đó qua các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, bài giảng, thực sự đóng vai trò một chiếc cầu liên kết Phụng Vụ Lời Chúa với Phụng Vụ Thánh Thể. Cũng như mỗi bài giảng nên bắt đầu với một câu chuyện hoặc một minh họa, thì mỗi bài giảng cũng nên kết thúc bằng cách hướng về Bí Tích Thánh Thể mà cộng đoàn đang chuẩn bị cử hành và lãnh nhận. Qua bài giảng, Chúa Kitô gửi một lời mời đến tất cả những ai sẽ chấp nhận lời kêu gọi hoán cải của Ngài đến dự tiệc Mình và Máu Ngài. Và như thế, mục đích trọng tâm của bài giảng là mời gọi cộng đoàn hoán cải tâm hồn và cử hành điều cam kết mới mẻ đó bằng việc mời họ đến bàn tiệc Mình Máu Chúa Kitô.

KẾT LUẬN

Tóm lại, những mục đích chính của bài giảng là làm sáng tỏ bằng cách nào Lời Chúa được sống trong ngày sống riêng của mỗi người, để hướng dẫn tín hữu đến những chân lý đức tin của giáo lý Kitô giáo và để mời gọi cộng đoàn hoán cải, giao hòa và đến với các bí tích. Đó là những đặc điểm nổi bật của một bài giảng đáng nhớ và hiệu quả. Đó cũng là điều chúng ta phải luôn ghi nhớ khi soạn bài giảng cũng như khi giảng.

Việc tập trung vào những điểm đó sẽ bảo đảm rằng, việc giảng dạy của chúng ta sẽ luôn luôn quy về Chúa Kitô và Lời của Ngài; bằng cách ấy, chúng ta sẽ tiếp tục công việc của các tông đồ, những người xây dựng Hội Thánh trên Lời của Thiên Chúa và cộng tác vào sự phát triển Hội Thánh nhanh chóng bằng việc trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu, Thầy mình.

Nguồnhttps://romancatholichomilies.com/how-to-write-a-great-homily/

Giới thiệu tác giả DOUGLAS SOUSA, Editor
Douglas Sousa, Cử nhân Triết & Anh Đại Học Saint John, Brighton, MA;
Cử nhân thần học Đại Học Giáo Hoàng Gregorio, Rome;
Thần học luân lý Giáo Hoàng Học Viện Anphongso, Rome.

Người dịch: Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Samstag, August 01, 2020

Chúa Nhật XVIII thường niên - Năm A

TẤM BÁNH LIÊN ĐỚI

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng rất nhiều bài học. Như về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, về bí tích Thánh Thể. Nhưng có lẽ bài học thiết thực nhất cho chúng ta hôm nay là bài học liên đới. Đó cũng chính là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ của Người.

Liên đới là biết cảm thương. Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Đó là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt. Đám đông tội nghiệp đi tìm Chúa không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo. Khi chạnh lòng thương, Chúa Giêsu dạy ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới. Những người này đói vì tôi đã ăn quá nhiều. Những người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo “mốt”. Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của tôi. Thế giới này chưa công bằng trong đó phần lỗi của tôi.

Liên đới là nhận lấy trách nhiệm. Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, vì thiếu tình liên đới. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn”. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.

Liên đới là đóng góp phần của mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Thật là ít ỏi, nghèo nàn. Nhưng Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn đó: “Đem lại đây cho Thầy”. Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình. Liên đới không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta thật sự có trách nhiệm, góp phần của mình vào việc chung.

Liên đới là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ. Chúng nhân lên theo nhịp của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.

Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.

Lạy Chúa xin mở trái tim con để con biết cảm thương và chia sẻ. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Tục ngữ Việt nam có câu: Nhiều no ít đủ. Bạn nghĩ gì về nét văn hoá Việt nam trong câu này. Có gần với bài Tin Mừng hôm nay không?

2) Càng cho đi càng phong phú. Bạn cảm nghiệm điều này bao giờ chưa?

3) Ta có trách nhiệm với những người chung quanh. Những người nghèo chất vấn cách tiêu dùng của ta. Bạn có nghĩ thế không?

Nguồn: http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN2/suyniem_INDEX.htm