(Ga 19, 25-27)
Đức Maria giữ vai trò là Mẹ Giáo Hội. Điều này đã được đề cập trong lời khẳng quyết của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với nội dung như sau: “Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, cũng là Mẹ của Giáo Hội.”[1] Mẹ của Giáo Hội cũng có nghĩa là “mẹ của tất cả dân Chúa, mẹ của các tín hữu cũng như của các chủ chăn.”[2] Vậy, vai trò làm Mẹ Giáo Hội và Mẹ các tín hữu được thể hiện như thế nào?
1. Đức Maria là Mẹ Hội Thánh
Trước hết, Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Giáo Hội vì Mẹ đã sinh ra Đức Giêsu là Đầu Giáo Hội. Vì thế, tình yêu mà Mẹ dành cho Đức Giêsu cũng chính là tình yêu Mẹ dành cho Giáo Hội. Sự liên kết của Đức Maria với Đức Giêsu Kitô trong công cuộc cứu độ được biểu lộ từ lúc Đức Giêsu tượng thai trong cung lòng băng trinh của Mẹ cho đến lúc Người chịu chết một cách tức tưởi trên cây thập giá.[3] Ta hãy nhớ lại những bước chân của Mẹ theo gót Con yêu của mình trên hành trình cứu chuộc: bước lang thang ra chuồng bò Bêlêm giữa đêm đông giá rét, bước hồi hộp trên đường trốn sang Ai-cập trước sự truy sát của bạo vương Hêrôđê, bước bồn chồn trở về trú ngụ tại Nagiaret, bước tất tưởi tìm con lạc mất trong đền thờ, bước rong ruổi cùng con trên khắp nẻo đường Palestine để loan báo Tin mừng cứu độ.
Trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã quan tâm đến gia cảnh của chủ tiệc. Đang lúc họ hết rượu thì Mẹ đã kịp ra tay giúp đỡ. Chính Mẹ đã nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3) và Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá sáu chum nước lã thành sáu chum rượu ngon trước sự ngỡ ngàng của thực khách (x. Ga 2,10). Như vậy, Mẹ đóng vai trò quan trọng trong tiệc cưới khi ra tay cứu giúp nhà đám trong tình cảnh thiếu rượu; điều này có ý nói rằng, Đức Mẹ đóng vai trò là Đấng bảo hộ Giáo Hội. Giáo Hội qua muôn thế hệ cũng chịu bao thử thách, cũng lắm phen túng bấn như tình cảnh ‘thiếu rượu’ của nhà đám. Đó là khi bị thử thách trăm chiều vì đức tin, vì bao phen phải chống chọi với những va đập từ bên trong cũng như những bão tố từ bên ngoài, khiến Giáo Hội phải nao núng. Lắm khi Giáo Hội phải gồng mình lên mới vượt qua được. Và khi những bính biến qua đi và sự bình an trở lại, Giáo Hội luôn nhìn thấy bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria.
Trong giờ khổ nạn, sự liên kết giữa Đức Maria và Đức Giêsu được biểu lộ rõ nét. Dưới chân thập giá, Mẹ đứng đó, cùng chịu đau khổ với Con mình và liên kết mình với hy lễ của Con bằng tình mẫu tử, đồng thuận cách yêu thương với lễ phẩm bị sát tế do lòng Mẹ sinh ra. Cuối cùng, Mẹ đã được chính Đức Kitô trao phó chính người môn đệ Chúa yêu cho Mẹ bằng những lời trìu mến: “Thưa Bà, đây là con Bà’ (x. Ga 19,26-27). Đồng thời, Chúa Giêsu cũng trao phó Đức Mẹ cho Gioan: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19,27). Chi tiết này mang ý nghĩa thần học sâu xa: Đức Maria như là Evà mới, là Mẹ của nhân loại mới. Người môn đệ Chúa yêu đại diện cho Giáo Hội. Như vậy, Mẹ là Mẹ Giáo Hội và Giáo Hội là con của Mẹ.
Sự đồng hành của Mẹ dành cho Giáo Hội còn được thể hiện rõ nét sau khi Chúa Giêsu về trời, Mẹ đã hiện diện với Giáo Hội sơ khai, đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình.[4]
2. Đức Maria là Mẹ các tín hữu
Thứ đến, Mẹ được gọi là Mẹ các tín hữu vì Mẹ đã cộng tác với Chúa bằng đức mến để sinh ra các chi thể của Hội Thánh là chúng ta. Mẹ đáng được kính chào như là chi thể siêu quần, như là mẫu mực về đức tin và đức ái cho các tín hữu noi theo.[5] Nói cách khác, ‘Mẹ của các tín hữu’ không chỉ là một tước hiệu danh dự nhưng còn có ý nghĩa lớn lao hơn. Mẹ đã nêu gương trọn hảo về đời sống đức tin, đức cậy và đức mến, để lại một tấm gương xán lạn cho các Kitô hữu noi theo. Nếu như vì bất tuân lệnh Chúa, Evà đã để lại hậu quả là cái chết cho loài người thì chính Đức Maria, nhờ vâng phục đã trở nên nguyên nhân của ơn cứu độ cho mình và cho cả loài người. Mẹ như thể là ‘Evà mới’ của Dân Thiên Chúa. Từ đây, muôn thế hệ sẽ khen Ngài có phúc (x. Lc 1,48). Vai trò này giúp chúng ta càng xác tín hơn đặc ân làm Mẹ của Đức Maria đối với các tín hữu và làm mẹ của ơn cứu độ.[6]
Tóm lại, vì Đức Trinh Nữ Maria đã sinh ra Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Đầu Giáo Hội, nên Mẹ được gọi là Mẹ Giáo Hội. Đồng thời, Mẹ cũng là Mẹ các tín hữu vì Mẹ đã cộng tác với Chúa, đón nhận thánh ý Chúa, để cưu mang Giáo Hội, cũng chính là mỗi người chúng ta. Ngày nay ở trên trời, Mẹ luôn cầu bầu cho ta và chăm sóc ta như người mẹ hiền, vì Mẹ là Mẹ hằng cứu giúp, luôn phù hộ các giáo hữu. Phần chúng ta, hãy đến và học dưới mái trường của Mẹ, để nhờ Mẹ, ta biết và yêu mên Chúa hơn.
[1] ĐGH. Phaolô VI, Allocutio ad Conciliares Patres, tertia exacta Oecumenicae Synodi Sessione (21-11-1964: AAS 56 (1964) 1015, trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo 963, bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2012), 303.
[2] Lm. Giuse Phan Tấn Thành, Magnificat (Học Viện Đa Minh, 2010), 203.
[3] X. Lumen Gentium 57.
[4] X. Lumen Gentium 69.
[5]X. Lumen Gentium 53, trong Công Đồng Vatic-nô II, bản dịch của Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X (Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, 1972), 243.
[6] X. Raniero Cantalamessa, Để Không Gì Là Vô Ích, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyể dịch (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2016), 56-57.
Tác giả: Lm. Jos Đồng Đăng
Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=20541