Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 22 tháng Ba
J.B. Đặng Minh An dịch22/Mar/2020
Từ Chúa Nhật 15 tháng Ba vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh coronavirus, Đức Thánh Cha đã không chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nhưng từ Thư viện của Dinh Tông tòa Vatican, và được trực tiếp truyền hình.
Trong bài huấn đức trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trọng tâm của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay là chủ đề ánh sáng. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan (9,1-14) thuật lại câu chuyện Chúa chữa cho sáng mắt một người mù từ lúc mới sinh. Dấu chỉ kỳ diệu này là sự xác nhận cho lời khẳng định của Chúa Giêsu, Đấng đã nói về chính Ngài: “Ta là Ánh sáng thế gian” (c. 5), ánh sáng chiếu soi những bóng tối trong chúng ta. Chúa Giêsu thực là như thế. Ngài chiếu rọi ánh sáng ở hai cấp độ thể lý và tâm linh: người mù trước tiên được sáng mắt và sau đó được hướng dẫn đến niềm tin vào “Con Người” (c. 35), nghĩa là tin vào Chúa Giêsu. Những phép lạ Chúa làm không phải là những cử chỉ ngoạn mục, nhưng mục đích của các phép lạ ấy là dẫn đến đức tin thông qua hành trình biến đổi nội tâm.
Nhóm những thầy thông luật có mặt ở đó ngoan cố, không nhìn nhận phép lạ, nhưng đặt ra những câu hỏi hóc búa cho người vừa được chữa lành. Nhưng người ấy quật ngã họ bằng sức mạnh của thực tại: “Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!” (c. 25). Giữa sự ngờ vực và thù địch của những người vây quanh đang vặn hỏi mình, anh đã thực hiện một cuộc hành trình dần dần đưa anh đến chỗ khám phá căn tính của Đấng đã cho mình sáng mắt và tuyên xưng niềm tin vào Ngài. Lúc đầu, anh chỉ xem Ngài là một tiên tri (c.17); nhưng sau đó anh nhận ra Ngài là một Đấng từ Thiên Chúa mà đến (c. 33); cuối cùng anh đón nhận Ngài như Đấng Thiên Sai và sấp mình phủ phục trước mặt Ngài (cc. 36-38). Anh hiểu rằng khi chữa cho anh nhìn thấy, Chúa Giêsu đã “tỏ hiện những công trình của Thiên Chúa” (c. 3).
Cầu mong cho chúng ta cũng có thể có kinh nghiệm này! Với ánh sáng đức tin, người ấy từ chỗ mù loà đã khám phá căn tính đích thực của mình. Giờ đây anh là một “tạo vật mới”, có khả năng nhìn cuộc sống của mình và thế giới xung quanh bằng một ánh sáng mới, bởi vì anh tiến vào tình hiệp thông với Chúa Kitô. Anh không còn là một người ăn xin bị cộng đồng loại ra bên lề; anh không còn là nô lệ cho sự mù quáng và định kiến. Hành trình được chiếu sáng của anh là một ẩn dụ của hành trình giải thoát khỏi tội lỗi mà chúng ta được mời gọi bước đi. Tội lỗi giống như một bức màn đen che mắt chúng ta và ngăn cản chúng ta nhìn rõ bản thân mình và thế giới một cách rõ ràng. Ơn tha thứ của Chúa xua tan bóng tối này và mang lại cho chúng ta ánh sáng mới. Cầu mong cho Mùa Chay mà chúng ta đang sống là một cơ hội và thời gian quý giá để đến gần Chúa, cầu xin lòng thương xót của Ngài, theo những hình thức khác nhau mà Giáo hội Mẹ đề ra cho chúng ta.
Người mù được chữa lành, giờ đây nhìn thấy bằng cả đôi mắt thể lý lẫn tâm hồn, là hình ảnh của mỗi người được rửa tội, nghĩa là được đắm mình trong ân sủng, được kéo ra khỏi bóng tối và được đưa vào trong ánh sáng của đức tin. Nhưng đón nhận ánh sáng thôi chưa đủ đâu, chúng ta còn cần phải trở thành ánh sáng. Mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận ánh sáng thần linh và biểu lộ ánh sáng ấy qua toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Các Kitô hữu đầu tiên, các thần học gia của những thế kỷ đầu, nói rằng cộng đoàn các tín hữu Kitô, nói cách khác là Giáo hội, là “mầu nhiệm mặt trăng”, bởi vì Giáo Hội mang lại sáng nhưng không phải là chính ánh sáng; nhưng là ánh sáng nhận được từ Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng là “mầu nhiệm mặt trăng”, nghĩa là chúng ta phải trao ban ánh sáng nhận được từ mặt trời, là Chúa Kitô. Hôm nay thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,8-9). Hạt giống sự sống mới được gieo nơi chúng ta trong bí tích rửa tội giống như tia lửa, trước hết giúp thanh lọc chúng ta, khi thiêu rụi sự ác trong trái tim chúng ta, và rồi khiến cho chúng ta có thể tỏa sáng và chiếu sáng với ánh sáng của Chúa Kitô.
Xin Đức Maria rất thánh giúp chúng ta bắt chước người mù trong bài Tin Mừng, để chúng ta có thể được bao bọc trong ánh sáng của Chúa Kitô và cùng Ngài bước đi trên con đường cứu độ.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha công bố như sau
Anh chị em thân mến,
Trong những ngày thử thách này, trong khi loài người rúng động vì mối đe dọa đại dịch, tôi muốn đề xuất tất cả các Kitô hữu chúng ta hãy hợp nhất dâng lời nguyện lên Thiên đàng. Tôi mời tất cả những người đứng đầu các Giáo hội và các nhà lãnh đạo của tất cả các Cộng đồng Kitô giáo, cùng với tất cả các Kitô hữu của các hệ phái khác nhau, cùng nhau cầu khẩn Thiên Chúa Chí Tôn, Toàn Năng, cùng đồng thanh đọc lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu, Chúa chúng ta đã dạy. Do đó, tôi mời tất cả mọi người làm như vậy nhiều lần trong ngày, nhưng, tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ đọc kinh Lạy Cha vào giữa trưa ngày Thứ Tư 25 tháng 3. Vào ngày mà nhiều Kitô hữu kính nhớ mầu nhiệm Thiên thần Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria về sự nhập thể của Ngôi Lời. Xin Chúa lắng nghe lời cầu nguyện đồng tâm nhất trí của tất cả các môn đệ của Ngài đang chuẩn bị để mừng chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh.
Với cùng một ý chỉ tương tự, vào ngày thứ Sáu tới, 27 tháng Ba lúc 6g chiều, tôi sẽ chủ sự một khoảnh khắc cầu nguyện trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô, nhìn ra Quảng trường trống rỗng. Từ bây giờ tôi mời gọi tất cả anh chị em tham gia trong tinh thần, thông qua các phương tiện truyền thông. Chúng ta sẽ lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ thờ lạy Thánh Thể, cuối cùng tôi sẽ ban phép lành Urbi et Orbi, đi kèm với khả thể nhận được một Ơn Toàn xá
Chúng ta muốn đáp lại đại dịch virus với tính phổ quát của lời cầu nguyện, của lòng cảm thông và sự dịu dàng. Chúng ta vẫn hiệp nhất với nhau. Chúng ta hãy để sự gần gũi của chúng ta được cảm nhận bởi những người cô đơn và chịu thử thách nhất. Sự gần gũi của chúng ta với các bác sĩ, với các nhân viên y tế, nam nữ y tá, và các tình nguyện viên. Sự gần gũi của chúng ta với các nhà chức trách là những người đang phải đưa ra các biện pháp cứng rắn, nhưng vì thiện ích của chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với cảnh sát, với những người lính luôn tìm cách duy trì trật tự trên đường phố, để mọi việc sẽ được thực hiện như chính phủ yêu cầu vì thiện ích của tất cả chúng ta. Sự gần gũi của chúng ta với tất cả mọi người.
Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Croatia, bị ảnh hưởng sáng nay bởi một trận động đất. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh và tình liên đới để đối diện với tai họa này. Và, đừng quên: hôm nay anh chị em hãy lấy sách Phúc Âm ra và đọc một cách thanh thản, chậm rãi chương chín Tin Mừng theo Thánh Gioan. Tôi cũng sẽ làm điều đó. Điều đó sẽ tốt cho tất cả chúng ta
Tôi chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tưởng cũng nên biết thêm, phép lành Urbi et Orbi (Cho thành Rôma và Thế giới) thường chỉ được ban vào ngày lễ Giáng Sinh và Phục sinh sau khi Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi. Phép lành này đi kèm với Ơn Toàn Xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/255266.htm