SỰ CHẾT
Tác giả: Elisabeth Nguyễn
„Con ơi, nếu có của, hãy làm cho đời con được tốt đẹp và tiến dâng lễ vật lên Đức Chúa sao cho xứng đáng. Hãy nhớ rằng, cái chết không trì hoãn đâu và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết“ (Hc 14,11-12)
Tôi không nhớ nhà văn hay nhà tu đức nào nói „Cái chết của người già ở trước mặt, cái chết của tuổi trẻ ở sau lưng“ câu nói này nhắc nhở con người ta nên biết: người già thì biết mình đang chờ cái chết, còn với tất cả mọi người bất cứ ở tuổi nào, ngày hẹn của âm phủ đến lúc nào, không thể biết“ và không ai có thể biết được ngoài Thiên Chúa. Người đời thường cho sự chết là điều bất hạnh tột cùng, là tận điểm cuộc sống, kết liễu tất cả.
Đã bao nhiêu lần tôi kề cận cái chết vì tai nạn, thế mà Chúa vẫn cho sống đến bây giờ, trải qua 75 năm dài trên thế gian. Hồi nhỏ lúc tôi còn mài đũng quần ở bậc trung học, chứng kiến cảnh tang chế trong đại gia đình khi ông nội tôi qua đời, tôi cũng rất sợ, nhìn xác chết nằm cứng đơ, lạnh lẽo, tôi không dám lại gần quan tài.
Nhất là khi nhìn thấy mẹ tôi và các con dâu của cụ trong y phục tang chế, vải thô trắng, khăn che đầu bằng vải màn trắng, tóc xõa dài, nằm lăn trên mặt đất từ cửa chính của căn nhà, cũng cả trăm thước dài, dưới quan tài để đưa người chết là cha chồng ra khỏi cánh cổng nhà, tôi còn hoảng sợ hơn.
Khi bà nội tôi qua đời, tôi bớt sợ hơn một chút, có lẽ vì tôi trưởng thành hơn, hiểu biết về lẽ sống ở đời hơn. Tôi thấy sinh bệnh lão tử là thường tình, có sinh thì có tử, mỗi ngày sống là mỗi ngày đi dần đến cái chết, nên tôi cũng không suy nghĩ gì về sự chết.
Theo dòng đời, cuộc sống của tôi cũng bình thường như những người con gái khác, rời trường học, đi làm, lập gia đình, có con cái, chồng là quân nhân nên thường vắng nhà. Cuộc sống vẫn bình lặng trôi, một mình tôi vừa đi làm, vừa cung cúc tận tụy muôi con. Trong đời sống hằng ngày cũng đầy đủ vui buồn sướng khổ, có nhiều chuyện xảy ra trong gia đình, họ hàng, những va chạm đắng lòng, cay mắt, nhức tim, song vì bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ 4 đứa con nhỏ, tôi không có thì giờ để suy tư và chẳng bao giờ nghĩ đến cái chết, mặc dầu chồng là quân nhân, thường vắng nhà.
Đại gia đình tôi có hai nguòi anh họ, một em họ và một anh rể chết trận mạc, thật bàng hoàng, thật đau lòng vì chiến tranh tương tàn giữa cùng một dân tộc, kẻ bắc người nam. Những lúc ấy tôi thật đau đớn, buồn thương cho thân phận những người trai thời chiến và oán hận chiến tranh lắm vì đại gia đình thường xuyên bao trùm không khí đau thương, nghẹn ngào, sầu khổ, buồn bã. Nhất là ông bà nội tôi và các bậc cha mẹ cứ ray rứt khóc than „lá vàng chưa rụng mà lá xanh đã vội lìa cành“.
Tháng 9. 2012 mẹ tôi qua đời ở VN, thọ 95 tuổi, tôi cảm thấy vui và mừng cho bà vì bà được toại nguyện như lời bà cầu nguyện hằng ngày: „Chúa ơi, khi con đau ốm, xin Chúa cho con chịu đau đớn ngắn ngày để khỏi làm khổ con cháu và xin cho con được chết lành“. Mẹ tôi đã được toại nguyện. Từ khi bà trở bịnh cho đến khi đưa vào bệnh viện và qua đời chỉ trong vòng khoảng 20 ngày, vì tôi đã chứng kiến nhiều gia đình rất khổ sở và cực nhọc chăm người bịnh già yếu nằm một chỗ có khi cả 10 năm hay hơn.
Khi về đến VN đứng trước quan tài mẹ, lòng tôi êm ả bình an ngắm nhìn khuôn mặt mẹ, Ô! Tạ ơn Chúa! Nguời mẹ kính yêu của chúng tôi chết mà đẹp như thiên thần, tôi ngạc nhiên vì mẹ đẹp như thời mẹ còn trẻ (nhà quàn không trang điểm) tôi thầm cám ơn và ngợi khen Thiên Chúa. „Mẹ ơi, con về thăm mẹ lần cuối đây và tiễn mẹ đi thăm bố chúng con và về hưởng hạnh phúc bên Chúa nha. Mẹ đẹp quá, mẹ bình an quá, tạ ơn Chúa, vinh danh Ngài“. Tôi nói những lời ấy và đứng lặng rất lâu bên quan tài với chồng và con gái thật lâu.
Tôi kể cho mẹ tôi nghe những tâm tình của tôi mỗi khi nghe mẹ bịnh thì tôi lo lắng và tìm cách về nhà càng sớm càng tốt, để được săn sóc mẹ lúc đau ốm trên giường bệnh như những lần trước, nhưng lần này chắc là mẹ không muốn nên khi con về đến thì mẹ đã…
Sau đó, tôi mới lần lượt ôm chào người thân trong gia đình. Mọi người trong gia đình, ai ai cũng rất ngạc nhiên tại sao tôi từ xa xôi, cách nửa vòng trái đất về, nhìn xác mẹ mà không nhỏ một giọt nước mắt nào. Hôm sau, mãi đến khi đưa quan tài rời khỏi nhà, tôi nói vài lời giã từ mẹ kính yêu, lúc bấy giờ tôi mới bật khóc và thổn thức mãi...
Sự chết đối với Chúa Giêsu Kitô là khởi đầu của hạnh phúc, là cửa ngõ đưa đến hạnh phúc đời đời. Từ ngày Chúa cho tôi được gặp gỡ Đức Kitô, Ngài chạm đến trái tim tôi thật nhẹ nhàng mà thắm thiết qua một khóa tĩnh tâm theo phương pháp Linh Thao của Thánh I-nhã thành Loyola, tôi mới biết Chúa là ai để biết mình là ai? Tôi được đổi mới, trở thành một người yêu đời hơn, sống vui vẻ hơn, bớt buồn, bớt giận hơn, biết nhẫn nhịn với tất cả mọi người, cả với những em trẻ và những người dưới mình, biết bỏ ngoài tai những lời dèm pha, chế diễu hay vu khống.
„Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh…. Gặp gỡ Đức Kitô, chân thành mình gặp mình…“ (lời bài hát). Từ đó, hằng ngày cầu nguyện, học hỏi và cảm nghiệm Thiên Chúa qua Thánh Kinh, tôi thấy Chúa yêu tôi vô vàn và tôi cũng yêu Chúa mỗi ngày mỗi thắm thiết hơn. Theo lịch Phụng Vụ của Giáo Hội thì đến tháng 11 hằng năm là tháng cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, giúp giáo dân biết suy niệm sự chết là đi đến sự sống đời sau với Chúa, nên khi suy nghĩ đến sự chết tôi cảm thấy bình an chứ không sợ sệt. Tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn sự chăm sóc con cái của Giáo Hội.
Tôi yêu cuộc đời, thấy cuộc sống có Chúa hiện diện, đồng hành với mình đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui sâu xa tận đáy lòng, tôi sung sướng, hãnh diện được làm con của Chúa và được phục vụ Ngài trong yêu thương và tự do. Tôi yêu sự sống đời này và cũng yêu sự sống đời sau nên tôi hay nghĩ đến sự chết, tôi thấy mình rất bình thản, bình an, bình tâm, vui vẻ, sẵn sàng đón nhận nó, „tôi ước ao được ra đi để ở với Đức Kitô“ (Pl 1,21b) vì chết là ra khỏi đời này, đi về nhà Chúa. „đi về nhà Chúa… thân tâm con hoan lạc Chúa ơi… „(lời bài hát). Đi về nhà Chúa là „đi về nhà hội ngộ của tất cả nhân sinh“ (Jb 31,23b).
Mặc dầu ao ước được như vậy nhưng Chúa định thế nào tôi cũng „xin vâng“. Chúa cho sống già hơn với những giới hạn và sự yếu đuối của tuổi già cộng với bệnh hoạn, tôi cũng vui vẻ „xin vâng“ bằng cách dâng những đau khổ này kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.
Khi không còn tự mình lo mọi việc cá nhân cho mình thì xin Chúa cho tôi sống trong viện dưỡng lão. Nguyện xin Chúa luôn ở với tôi để nâng đỡ an ủi, ban cho tôi có đủ nghị lực để tôi cố gắng sống chịu đựng nhẫn nhục những lúc tinh thần yếu đuối, thể xác đau đớn, và cho tôi biết ghi ơn những người săn sóc thể xác già yếu của mình, thông cảm những khó nhọc của họ. Mong „ơn Cha luôn đủ cho con“ vì chỉ có Chúa là nguồn an ủi duy nhất đời đời mà.
„Trước khi chết, hãy làm ơn cho thân hữu, và rộng rãi với họ theo khả năng của con“ (Hc 14,14) „Hãy cho và nhận, hãy làm cho tâm hồn mình khuây khỏa vì trong âm phủ con tìm đâu ra khoái lạc“ (Hc 14,16). Để theo Thầy, lâu nay tôi đã tập từ bỏ cái tôi của mình. Từ bỏ cái tôi của mình thật khó lắm, song với ơn Chúa tôi cũng thực hành được, mỗi ngày một chút. Từ bỏ cái ăn, cái mặc, cái tham, cái ganh, cái ghét, cái tranh hơn thua, cái khoe khoang, cái kiêu căng, cái giận hờn v.v… và v.v… chịu đưng mọi sự khó nhiều hơn, nhường nhịn nhiều hơn, biết tha thứ nhiều hơn, biết cho đi nhiều hơn.
Lâu nay tôi từ bỏ mình bằng cách học và tập linh đạo của cha Albert Periguère „hãy để Chúa Kitô chiếm lấy mình“ thì tất cả những tiêu cực trong trí tâm thân của mình sẽ dần dần biến mất.
Tôi ước ao được chết, vì chết bây giờ, ở tuổi này, được về với Chúa thì hạnh phúc biết bao. Để chuẩn bị cho sự chết tôi tập buông xả mọi thứ… mỗi ngày một chút, cho đi… cho đi… để khi Chúa gọi thì con sẵn sàng „xin vâng“ cách bình an, vui vẻ và nhẹ nhàng, mặc dầu, trước mặt Chúa tôi vẫn còn đầy thiếu sót, nhiều vấp phạm, còn vương nhiều tội lỗi. Nhưng chắc chắn Chúa sẽ lấy Lòng Thương Xót mà xót thương tôi, lấy Tình Yêu Thương của Ngài mà tha thứ và ôm ấp đứa con bất toàn này trong tay Ngài.
„Từ xa Đức Chúa đã hiện ra với tôi: „Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương“ (Jer 31, 3) Ngài sẽ cho tôi được mau mau rời khỏi luyện ngục, một nơi mà Thiên Chúa ưu đãi cho chúng ta, sau khi lìa khỏi cõi đời này, được ở đấy để „make-up“ cho linh hồn trở nên đẹp đẽ, tinh tuyền, trong trắng, hoàn hảo mà trình diện trước mặt Ngài.
Có người hỏi tôi: - Chuẩn bị chết thì chuẩn bị gì? chuẩn bị mua hòm? mua đất? chôn cất ra sao? Cha nào làm lễ an táng? Bài đọc nào? Ai đọc? Để lại gì cho con cái? v.v… Tôi chỉ mỉm cười và trả lời: - “Đó không phải cách chuẩn bị cái chết của tôi, tôi chỉ xin Chúa giúp tôi chuẩn bị phần tâm linh, tập từ bỏ cái tôi của mình đi, bằng cách mỗi ngày mỗi yêu Chúa hơn, để Chúa chiếm lấy mình, để linh hồn của mình mỗi ngày mỗi được gội rửa sạch sẽ hơn để trở nên đẹp đẽ hơn mà trình diện trước Thánh Nhan Thầy yêu dấu”. Tất cả những gì còn lại thì “để kẻ chết chôn kẻ chết”.
Bình thường con người ta sống khổ sở quá, bị bách hại, bị dồn vào chỗ không lối thoát đi đến tuyệt vọng thì thường tìm đến cái chết. Trường hợp ông Giop, tiên tri Elia và ôngTobit, là những người công chính, cùng cô Xara trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng lâm vào cảnh khốn cùng nhưng họ không tự tìm đến cái chết mà họ xin Chúa cho họ được chết. Thật là những gương nhân đức, vâng phục và kính trọng quyền năng của Đức Chúa.
Ông Tobit là người công chính, ông sống rất quảng đại và bác ái “tôi đã từng ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt ngày đời tôi. Tôi rộng tay bố thí cho anh em và đồng bào tôi, những người cùng đi đày với tôi qua xứ Ninivê, ở xứ Atsua” (Tb 1,3). Khi trở về quê, một hôm ông đang ngủ thì bị phân của một con chim dính vào mắt nên ông bị mù. Mọi người cười nhạo, nhục mạ, chế riễu ông, cho rằng ông sống tốt lành mà sao Chúa của ông lại để cho ông phải khổ sở, phải bị mù nên ông sống trong buồn phiền, đau khổ. Người vợ đầu ấp tay gối của ông cũng dày vò, mỉa mai, nhiếc móc ông nên ông không chịu đựng nổi, ông lâm vào tuyệt vọng xin được Chúa cho ông chết đi: “Lạy Chúa, xin truyền lệnh cho con được giải thoát khỏi số kiếp gian khổ này. Xin để con ra đi vào cõi đời đời. Lạy Chúa, xin đừng ngoảnh mặt không nhìn con. Quả thật, đối với con, thà chết còn hơn suốt đời phải nhìn thấy bao nhiêu gian khổ và phải nghe những lời nhục mạ” (Tb 3,6b). Chúa không cho ông được chết mà ông được Thiên Chúa đoái thương và sai Thiên Sứ Raphael đến chữa lành cho ông.
·
Tôi đang sống vui vẻ hạnh phúc với chồng, với các con, các cháu dễ thương, tôi thương yêu mọi người và mọi người thương yêu tôi, tôi thương yêu, quý trọng gia đình này. Tôi yêu những con người và những đất nước tự do, đầy nhân ái đã cưu mang gia đình tôi và đồng bào chúng tôi trong cơn hồng thủy tị nạn CS. Tôi yêu thương thế giới chung quanh tôi, những cảnh thiên nhiên hùng vĩ, lạ lùng, tuyệt mỹ mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Tôi quý trọng tất cả những tác phẩm nghệ thuật do con người sáng tác ra, tôi trân quý những con người tài năng, giỏi giang, những con người hiếu thảo, những con người thủy chung, tôi trân trọng và an vui với những tình bạn thắm thiết mà tôi nhận được, cũng như tôi đã trao đi, tôi yêu thế giới mà tôi đang được hưởng không khí tự do trong trật tự của Thiên Chúa.
Tôi yêu Giáo Hội và quý trọng những tu sĩ, những tín hữu đã góp công xây dựng Nước Chúa ở trần gian này, tôi cũng thương yêu những người nghèo khó, những người bị ức hiếp, chèn ép nhất là những dân tộc thiểu số sống trong rừng sâu. Tôi thương xót và đau buồn cho những người dân sống trong các quốc gia đang có chiến tranh, những người dân sống trong nô lệ của chế độ Cộng Sản. Tôi yêu và luôn cầu nguyện cho quê hương , cho dân tộc VN tôi đang còn nhiều lầm than. Tôi yêu kính tất cả những bậc tu hành chân chính của mọi tôn giáo trên mặt đất này (Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Hindu, Hồi Giáo, Bà Hai giáo, đạo thờ tổ tiên ông bà v.v…) Tôi yêu quý, kính trọng những nguyên thủ quốc gia và những chính trị gia hết lòng vì dân vì nước của họ. v.v. Tóm lại tôi yêu tất cả loài người và thế giới hiện hữu bao la trên trái đất mà tôi đang hít thở hằng ngày.
Tôi ao ước được chết là đi về với Chúa, về với người mình yêu quý, về nhà Chúa. (Như em bé sống trong bụng mẹ và sinh ra thế gian này. Như con người ta sống ở thế gian này, sinh vào lòng Thượng Đế). Tất cả mọi sự trên đời sẽ qua đi, chỉ có tình thương mến của Chúa mới có thể biến những cái hữu hạn trở nên điều kỳ diệu.
Khi viết những dòng này tôi muốn gởi gấm đến người thân trong gia đình, (cách riêng). Và mọi người (cách chung) rằng sống ở thế gian này ai cũng bị lệ thuộc bởi những giới hạn của trần gian. Đây chỉ là cuộc sống tạm, đừng để đời mình bén rễ sâu, nặng nề bằng những tham vọng, tham danh, tham tiền tài, vật chất mà quên đi sự sống siêu nhiên Thiên Chúa ban cho loài người để sống thăng hoa, an bình, hạnh phúc ở trần gian này, để làm cho đời sống này đẹp đẽ, an hòa, nhân ái hơn lên, để vinh danh Chúa hơn.
Cái chết không có gì đáng sợ hãi, chết là đi về nhà Chúa thì ta vui mừng được sống với Chúa đời đời. Hạnh phúc biết bao! Khi Ngài gọi, tôi sẵn sang vui vẻ nắm tay Ngài mà hân hoan đi với Ngài. Về với Ngài chúng ta được sống trong tình yêu thương thắm thiết của Ngài.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngày hôm nay con sẵn lòng và hoàn toàn chấp nhận cái chết thế nào tùy ý Chúa muốn gởi đến cho con cùng với những đau khổ khó nhọc và sợ hãi đi theo cái chết ấy. Amen (Lời Thánh Alfonsô Maria)
Elisabeth Nguyễn
Tác giả: Elisabeth Nguyễn
Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=18605