Trang chủ

Sonntag, Juni 11, 2017

Ngôn ngữ của dấu chỉ

LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long6/10/2017


Có câu chuyện vui giả tưởng trong dân gian: Một giáo sư dậy môn thần học sau khi qua đời được đưa đến trình diện Thiên Chúa. Trước ngai tòa Thiên Chúa, vị giáo sư được Thiên Chúa ca ngợi về công lao nghiên cứu giảng dậy cho sinh viên về mầu nhiệm Thiên Chúa. Sau đó Thiên Chúa tiếp: „ Thưa giáo sư, nhưng đôi khi ngài giảng dậy nói về Ta, mà chính Ta cũng không biết như thế…!“ 


Phải, chúng ta có thể nói, diễn tả về Thiên Chúa cao sang diệu vợi bao nhiêu có thể. Nhưng người nghe có thể lĩnh hội hiểu được không? Và có giúp cho đức tin của họ thêm sâu xa vững chắc vào Chúa không, nhất là trong những khi đời sống gặp cảnh chao đảo hồ nghi? 

Những nhà thần học tầm cỡ to lớn vĩ đại thông thái thường đưa ra nhận xét: Tất cả những gì chúng ta nói về Thiên Chúa, đều vừa không đúng như Ngài là, và cũng có điểm giống như Ngài là. Nhất là về mầu nhiệm Một Thiên Chúa có ba ngôi.

Vậy diễn tả đức tin về mầu nhiệm Thiên Chúa ba ngôi như thế nào cho dễ hiểu cùng nói lên được cả tâm tình đức tin từ trong tâm hồn? 

Người tín hữu Chúa Kitô hằng ngày đều tuyên xưng đức tin mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Họ tuyên xưng bằng lời nói qua môi miệng, và còn bằng cả cử chỉ trên ngay nơi chính thân thể mình: dấu thánh giá.

Dấu thánh giá với người tín hữu Chúa Kitô là dấu chỉ cực thánh nhất. Dấu chỉ này biểu lộ diễn tả đức tin từ trong tâm hồn ra bên ngoài. Dấu chỉ đó là ngôn ngữ của đức tin từ trong trái tim tâm hồn người tin yêu Thiên Chúa.

Ngay từ thuở còn thơ bé sau khi mở mắt chào đời, em bé đã được Hội Thánh ghi dấu thánh giá trên trán rồi tưới gội làn nước Bí Tích rửa tội trên đỉnh đầu: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.

Em được rửa tội không chỉ trong làn nước thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng nên, nhưng còn trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Rồi trong đời sống hằng ngày, người tín hữu Chúa Kitô đều làm dấu thánh giá, để nói lên lời cầu xin ơn chúc lành, phù hộ của Chúa, để nói lên tâm tình tạ ơn, và tuyên xưng đức tin vào Một Thiên Chúa có Ba ngôi

Dấu thánh giá nhắc nhớ đến Bí Tích và đức tin rửa tội ngày xưa đã lãnh nhận “ một Thiên Chúa, một đức tin và một phép Rửa“.

Những dấu chỉ dấu thánh gía hình chữ thập được làm trên toàn thân thể: 

- trên trán, nơi có trí não suy nghĩ điều tin

- trên môi miệng, nơi để nói loan truyền điều tin

- trên ngực, nơi có trái tim trung tâm của sự sống và tình yêu,, yêu mến điều tin

- ngang sang hai bờ vai trái và phải nói lên tâm tình: Những người bên trái bên phải con đường đời sống mà ta gặp gỡ hay có trách nhiệm với đều liên kết với nhau trong sự tin tưởng cùng lo cho nhau.

Dấu thánh giá không chỉ diễn tả đức tin của riêng một cá nhân với Chúa, nhưng còn nói lên chiều kích nền tảng của nếp sống trong xã hội con người với nhau. 

Người tín hữu Chúa Kitô mỗi khi làm dấu thánh gía nói lên đức tin vào một Chúa Ba Ngôi. Và qua đó họ được củng cố thêm mạnh sức cho đức tin vào Chúa: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Họ không sống đức tin một mình, nhưng trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Và dấu chỉ dấu thánh giá họ làm là ngôn ngữ diễn tả đức tin từ trong tâm hồn ra bên ngoại ngay trên chính thân thể mình.

Lễ Chúa Ba Ngôi.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/225920.htm