Lễ Ðức Mẹ Dâng Mình
Bài giảng Lễ Đức Mẹ Dâng MìnhTác giả bài viết: ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống
Bài giảng dịp Hành hương Đức Mẹ Tàpao 13/11/2013
Dù không được Phúc Âm nhắc đến, nhưng theo truyền thuyết (Tiền Phúc Âm của thánh Giacôbê), từ khi ba tuổi, Đức Mẹ đã được gia đình đưa lên đền thánh để dâng mình cho Thiên Chúa và đã lưu lại đó cho tới lúc trọn tuổi mười hai. Đây là một thói quen đáng kính của các gia đình đạo hạnh và cũng là biến cố đáng ghi nhận trong đời Đức Trinh Nữ Maria. Chả thế mà trong lịch phụng vụ của Giáo Hội đông phương, đã thấy xuất hiện lễ Đức Mẹ Dâng Mình từ thế kỷ VII, và tiếp theo là phụng vụ của Giáo Hội tây phương từ thế kỷ IX. Chính các Đức Giáo Hoàng Sixtô IV năm 1472 và Sixtô V năm 1585 đã cổ võ mừng kính lễ này cách đặc biệt và gần đây, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xem lễ Đức Mẹ Dâng Mình là một trong những lễ tuyệt diệu và coi đó như hình mẫu của đời dâng hiến. Trong niềm hân hoan, chúng ta nhận diện ý nghĩa biến cố dâng mình trong đời Đức Mẹ.
1. Dâng mình là tìm gặp Thiên Chúa
Theo nhãn giới sách tiên tri Dacaria trong bài đọc một, khi dân Do thái trở về sau cuộc lưu đày, thì đền thờ Giêrusalem không chỉ là không gian biểu thị sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân, mà còn là nơi chốn diễn ra cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với mọi tâm hồn đạo đức. Đền thờ không dừng lại trong vai trò là nơi thánh dành cho việc phụng tự, nhưng đã mở ra một tầm vóc mới là địa chỉ của việc tiếp cận. Chính với đền thờ người ta nghiệm rõ hơn phẩm tính của Thiên Chúa là “Đấng vui thích ở giữa dân”, và cũng hiểu thực hơn lý do tại sao dân lại “rộn rã vui mừng khi nghe người người rủ nhau lên đền thờ Chúa”. Thì ra, đền thờ là không gian thánh thiêng đã được Thiên Chúa chọn lựa như nơi hẹn hò cứu độ dành cho con dân của Người. Và vì thế, lên đền thờ Chúa đã vượt quá một nhiệm vụ tôn giáo, dù được quy định bởi luật lệ hẳn hòi, để trở thành một giai đoạn vinh dự đời người và niềm tự hào cho cả dân tộc.
Khi Đức Maria ở tuổi lên ba được cha mẹ là ông Gioakim và bà Anna dẫn lên đền thánh Giêrusalem để dâng mình cho Chúa, thì về mặt tự nhiên chắc chắn chỉ là việc chu toàn phận vụ đạo đức theo thói quen tôn giáo. Ba tuổi cứ bình thường chưa phải là tuổi đã khôn, nếu không muốn nói là còn ngây thơ đơn sơ dại khờ. Nhưng về mặt quan phòng còn có ý nghĩa lớn lao hơn, đây là một việc tuyệt diệu Đức Mẹ thực hiện trong tuổi thơ đời mình nhằm gặp gỡ Thiên Chúa. Tất nhiên Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, có mặt ở khắp nơi, không nơi nào dù là đạo hay đời mà không có sự hiện diện của Người, nhưng có một nơi Người chắc chắn hiện diện thường xuyên, đó là nhà của Người chính là đền thờ. Vì thế, biến cố lên đền đã sớm mang lấy ý nghĩa tích cực và đích thực: Đức Mẹ dâng mình vào nhà của Chúa là để được thường xuyên gặp gỡ Chúa và hạnh phúc sống dưới mái nhà và dưới ánh nhìn trìu mến của Chúa.
2. Dâng mình là tìm biết và làm theo thánh ý
Theo nhãn giới của bài Phúc Âm trích đọc, khi Chúa Giêsu chỉ các môn đệ và giới thiệu “Mẹ và anh em Ta là những kẻ làm theo thánh ý”, chính là lúc Người khai mở một gia đình mới, không dựa trên huyết thống, cũng không giới hạn nơi các thành viên một dòng họ hoặc dừng lại trong một chi tộc, ngôn ngữ, mà bao gồm tất cả mọi người, miễn là biết nhận biết và thực thi thánh ý. Nếu toàn bộ lời giảng của Chúa Giêsu được gọi là Tin Mừng thì lời giới thiệu “Mẹ và anh em” này phải được xem như một khía cạnh reo vui hiện thực nhất của Tin Mừng ấy. Ai cũng có khả năng trở thành người nhà của Chúa Giêsu, ai cũng có điều kiện để hội nhập vào trong gia đình thánh, và ai cũng có thể trở nên anh chị em gần gũi với Người. Chúa Con đã xuống thế làm người theo ý Chúa Cha, và đã chịu khổ nạn vì tội lỗi nhân loại cũng để vuông tròn thánh ý. Những ai hôm nay làm theo thánh ý như Chúa Giêsu, họ cũng đang trở thành anh em của Người.
Người ta không biết chính xác những việc cụ thể Đức Mẹ đã làm trong suốt tuổi thơ lưu lại đền thánh, có thể là việc trực tiếp như câu kinh tiếng hát sớm tối phượng thờ, cũng có thể là việc gián tiếp như phục vụ dọn dẹp trang hoàng đền thánh, và chắc không thiếu những việc không tên theo yêu cầu của các chức sắc tôn giáo hay theo nhu cầu của nghi lễ hằng ngày. Ăn cơm Chúa múa tối ngày. Ở trong nhà Chúa thì phải làm việc của Chúa, đương nhiên, nhưng chắc chắn có một việc mà Đức Mẹ hằng ngày vẫn canh cánh “trí suy, miệng nói, mình làm”, đó là để tâm đi tìm thánh ý và một khi đã biết thì nỗ lực thực thi. Chúa muốn Mẹ làm gì? Ý Chúa về đời Mẹ ra sao? Lễ dâng nào từng ngày cho Chúa? Tuổi thơ bé gái khác có thể vô tư với trò chơi đồ hàng hay gương lược, nhưng tuổi thơ Đức Maria nơi đền thánh lại là đánh chuyền với thánh ý và đánh chắt với việc làm cho thánh ý được thể hiện trong cả đời mình.
3. Dâng mình còn là tìm hun đúc cho sứ mệnh tương lai
Mới đây, dịp cô bé Phương Mỹ Chi trúng giải “Á quân giọng hát Việt nhí 2013” với hợp đồng trình diễn đó đây, báo chí đã coi đó như là “gặt lúa non” và cảnh báo cho biết bí quyết thành công bền lâu dưới ánh đèn sân khấu tỷ lệ thuận với những khổ luyện miệt mài trong bóng tối hậu trường. Một tác giả đạo đức phác vẽ kết quả của mỗi công trình thiêng liêng bằng một công thức ấn tượng là “50% ơn Chúa và 50% nỗ lực con người”. Theo quan điểm này, biến cố Đức Mẹ dâng mình và sống âm thầm trong đền thờ chính là thời gian Mẹ tận hiến cho một điều cao cả hơn và trọng đại hơn; có thể hình dung như giai đoạn chuẩn bị với những kỹ năng và hành trang cần thiết, để sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ sẽ được Thiên Chúa trao gửi trong tương lai. Ngày đến đền thờ Mẹ còn là cô bé lớp chồi, nhưng ngày rời đền thờ Mẹ đã thành thiếu nữ Sion đẹp xinh không chỉ “nhất tóc, nhì da, thứ ba là dáng”, mà còn sực nức thơm hương nhân đức. Chỉ cần nhìn vào biến cố Truyền Tin khi Đức Maria vâng theo ý Chúa, người ta cũng thấy đầy đủ những yếu tố cho phép hiểu rằng việc dâng mình của Mẹ trong đền thờ không đơn thuần là việc đạo đức, mà còn là công trình quan phòng nhằm chuẩn bị xa gần cho mùa cứu rỗi. Từ thái độ bối rối khi nghe lời sứ thần đề nghị biểu lộ sự ý thức của Mẹ, đến câu hỏi xin sứ thần giải thích cho thấy Mẹ hoàn toàn tự do, và đến khi đáp tiếng “xin vâng” thì Mẹ đã thể hiện lễ dâng đời mình bằng cả trách nhiệm cao độ. Ngày nay, ở lứa tuổi mầm chồi, các phụ huynh đã chẳng lo cho con em mình vào những trường tốt, mong có được căn bản làm người và kiến thức cần thiết cho lớp học cao hơn đó sao? Tương tự như thế, Đức Mẹ dâng mình lúc tuổi còn thơ cũng là rèn luyện cho nghĩa vụ là “tôi tá” và cho sứ vụ làm “Mẹ Đấng Cứu Thế” sau này. Tóm lại, tìm gặp Thiên Chúa, tìm theo thánh ý Người và tìm hun đúc cho sứ mệnh tương lai chính là ý nghĩa của biến cố Đức Mẹ dâng mình. Sống lại tâm tình ấy, ta hãy nỗ lực sống đẹp cuộc đời hiện tại như lễ dâng tạ ơn và cũng như lễ dâng tạ tội. Xin nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ cho lễ dâng đời ta được thanh tẩy và thánh hóa, mong đẹp lòng Thiên Chúa nhiều hơn. Nếu Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã xếp dáng dấp trinh nữ hiến dâng sau khi nêu lên ba dáng dấp lắng nghe, cầu nguyện và hạ sinh của Đức Maria, thì chỉ muốn khắc họa cho thấy việc dâng mình là nền tảng giúp Đức Mẹ có được động thái tương hợp trong nhịp sống thánh hiến. Xin cho những người sống đời thánh hiến gặp được nơi Đức Mẹ mẫu gương tích cực và xin Đức Mẹ cũng giúp ơn cần thiết để mọi người gặp được bình an với lễ dâng cuộc sống còn lắm khó khăn.
Nguồn: http://tinmung.net/TRANG%20CUA%20ME%20MARIA/Cac-Le-Ve-Me/ME-Dang-Minh/INDEX.htm