Trang chủ

Samstag, September 03, 2016

Chúa Nhật XXIII thường niên  - Năm C
TỪ BỎ HẾT

Chú giải của Noel Quesson
Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ
Chúng ta vẫn đang trên con đường lên Giêrusalem, ở đó Luca đã tập hợp các tài liệu gốc mà ngài đã thu thập bởi các nguồn thông tin của riêng ngài. Người ta có thể nói rằng đây không chỉ là một bài tường thuật cụ thể mà hơn thế nữa là lịch sử cao cả của Đức Giêsu Kitô trong mọi thời đại. Những “đám đông người" cùng đi với Đức Giêsu không chỉ là vài trăm người ở Palestine trong thời đại đó, mà là vô số người, đàn ông có, đàn bà có đã bắt đầu đi theo Đức Giêsu qua bao thế kỷ. Vậy ngày hôm nay, Đức Giêsu hướng về phía chúng ta để đặt cho chúng ta một vài câu hỏi: "Anh em nói rằng anh em là những môn đệ của Thầy nhưng anh em có biết điều đó có nghĩa gì không? Anh em có biết đi theo Thầy sẽ dẫn anh em đi tới đâu không?".

Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được
Yêu sách đầu tiên của Đức Giêsu đúng là làm người ta phải hốt hoảng và nếu cần một lần nữa minh chứng rằng Giêsu Na-da-rét có ý thức Người không phải là "một người bất kỳ nào đó". Vậy thì Người là ai, nếu không phải là một người điên, lại yêu cầu toàn thể nhân loại phải dứt bỏ tình cảm đến như thế, để gắn bó với bản thân của Người?
Ai có thể hiểu được ngôn ngữ của các vì sao,
Ai có thể nhận ra âm nhạc của các linh hồn,
Ai với trái tim có đủ tự do
Sẽ biết yêu mến Thầy trên hết và đi theo sau Đấng, Lời của sự sống?
Tấm lòng cần phải rất tinh tế để hiểu biết Đức Giêsu.
Dĩ nhiên Đức Giêsu là ngôn sứ của tình yêu chứ không phải của lòng thù hận. Công thức gay gắt của Người không có nghĩa chúng ta bỏ rơi những mối liên hệ gia đình. Không nhằm biện minh cho thói ích kỷ, trái lại Đức Giêsu kêu gọi một sự từ bỏ triệt để bản thân mình. Vả lại, cần phải yêu mến Đức Giêsu hơn cả mạng sống mình. Như thế, thay vì phá vỡ một cách ích kỷ mọi quan hệ nhân bản thiêng liêng nhất của chúng ta (tình yêu phụ tử, hôn nhân, bằng hữu), Đức Kitô mời gọi chúng ta, mỗi người phải làm cho tình cảm ấy được sinh động và xuyên suốt bởi tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa... Và trong trường hợp hạn chế, thật vậy, vẫn phải là: “bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa” (Lc 18,29). Và chính Đức Giêsu đã buộc mình phải dứt bỏ gia đình riêng trước khi yêu cầu điều đó với chúng ta, khi Người hiến dâng cả hồn và xác cho việc rao giảng Tin Mừng (Lc 8,19-21; 11,27-28).
Mỗi Người, tùy theo hoàn cảnh và ơn gọi của mình, phải vui lòng đón nhận yêu sách phi thường ấy trong đời sống cụ thể. Những từ bỏ tuyệt đối nào được đặt ra cho tôi để phục vụ Nước Thiên Chúa?
Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được
Ở đây có hai công thức: Vác thập giá và đi theo Đức Giêsu. Vậy vấn đề trước tiên không phải là từ bỏ mà là tình yêu. Người nào đã thật sự tìm thấy Đức Giêsu, Người ấy đã tìm thấy giá trị phát triển nhất trong mọi trường hợp. Tất cả những gì làm chúng ta đau khổ, có thể trở thành "sự hiệp thông của tình yêu”. Mọi người vác thập giá đi theo Đức Giêsu là đi theo Đấng đã vác thập giá đi đầu. Nếu chúng ta suy nghĩ thấu đáo, khi chúng ta lảo đảo dưới sự thử thách thì Đức Giêsu đã ở đó, kề bên chúng ta, đi trước chúng ta, chính Người cũng đang lảo đảo trên con đường thập giá dẫn Người đến niềm hoan lạc của sự sống lại! Simon, gốc Kyrênê, được đặt thập giá lên vai vác theo sau Đức Giêsu là hình ảnh của người môn đệ chân chính (Lc 23,26). Ai đã khám phá điều đó, đã tìm ta một bí mật; bí mật của một hạnh phúc mà không gì có thể phá hủy được. Không gì. Phúc cho người nào có cái nhìn xuyên thấu điều vô hình để tìm kiếm khuôn mặt của Người!
Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc!".
Dụ ngôn này là của riêng Thánh Luca: "Bổn phận phải ngồi xuống!" Dụ ngôn này nói lên khó khăn to lớn mà người ta phải chấp nhận khi cồ quyết định bắt đầu đi theo Đức Giêsu. Đây là một cuộc phiêu lưu dài ngày; và phải có thể đi đến cùng!
Đức Giêsu đã không bao giờ tìm cách quảng cáo, khi tạo ra tâm lý thành công giả tạo ở xung quanh Người. Thay vì che giấu những nguy cơ của công việc, Người nhấn mạnh chúng như để làm nản lòng ngay tức khắc những nhiệt tình bồng bột và chóng qua; như thể sự rút lui dọc đường còn tệ hơn là chưa bao giờ khởi sự? Điều này phải làm chúng ta suy nghĩ một cách thật nghiêm túc tính chất trầm trọng của việc từ bỏ đức tin khi việc từ bỏ này cố tình và có ý thức. Thôi không theo "Đức Giêsu nữa, khi người ta đã bắt đầu đi theo Người...” phải chăng trầm trọng hơn việc chưa từng biết Người? Trách nhiệm vô cùng của việc Tuyên xưng Đức Tin là thế. Nếu không nghiêm túc thì đừng làm? Trước khi tuyên hứa phải ngồi xuống, dùng thời gian mà suy nghĩ.
“Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa".
Hai dụ ngôn này "xây tháp" và "chiến đấu để thắng trận" là thành phần của các bản văn mà Luca đã có chủ ý tập hợp trong "đường lên Giêrusalem". Hai câu chuyện này đặt song song, dễ nhớ, với văn phong nói và lặp lại. Cùng một bài học được làm nổi rõ, được gấp đôi để không ai quên: Đời sống Kitô hữu chính là "xây dựng" và "chiến đấu”. Hai công việc gian nan đòi hỏi phải suy nghi và kiên trì. Chúng cũng yêu sách sự tiên liệu và tổ chức. Anh em phải ngồi xuống để suy tính!
Một đôi khi tôi có hoàn thành lời yêu cầu này của Đức Giêsu không?
Tôi có dùng thời gian để suy nghĩ cuộc đời tôi về những cam kết của tôi? Chúng ta đều biết làm các bảng tổng kết, tính toán, tiên liệu cho các công việc của con người vậy có khi nào chúng ta dừng lại một mình hay trong nhóm với những người khác để nhận định xem chúng ta đã thật sự sống những công việc của con Người trong đường lối của Đức Kitô? Đó là mục đích của việc "xét lại đời sống": Hãy nhìn, phán đoán, hành động, cầu nguyện trong ánh sáng của Tin Mừng.
Đi nghỉ hè về, lời mời gọi của Đức Giêsu đến đúng lúc. Một năm mới đây rồi, trước mặt chúng ta. Tất cả sẽ lại tiếp tục: Nghề nghiệp, trường học, tập đoàn, hiệp hội. Để không sống hời hợt với mình và với mọi việc, nguyện gẫm là bí quyết cửa đời sống sâu sắc và thật sự hiệu quả. Ngày hôm nay Đức Giêsu yêu cầu chúng ta không nên sống một cách hời hợt nông cạn.
Lạy Chúa, người nào mà Thần Khí Chúa cư ngụ, người ấy sẽ tiếp nhận những bí mật của Chúa Cha.
Trong ba năm của đời sống hoạt động, Đức Giêsu hầu như đã làm nhiều hơn mọi người hoạt động của thế gian.
Một bà mẹ trẻ trong gia đình, bề bộn công việc, một ngày nọ nói với tôi: "Những ngày nào con càng phải làm nhiều việc thì con càng cảm thấy nhu cầu phải ngừng lại, phải ngồi xuống mười phút để nguyện gẫm: và con được lời thời gian!”
“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Vậy đây là lần thứ ba trong ít dòng trở lại cùng một điệp khúc sắc bén như dao thái thịt: "Không thể làm môn đệ của tôi được".
Và đối với Luca, điệp khúc như là kết luận của hai dụ ngôn nói trên. Cũng chính vì thế mà cần phải "ngồi xuống”. Người ta không theo Đức Giêsu trong sự dễ dãi. Ai không sẵn sàng đi đến cùng tốt hơn đừng nên khởi sự: Hãy từ bỏ tìm kiếm chính mình trong tình cảm, từ bỏ đời sống của riêng mình, từ bỏ của cải... bởi tình yêu. Lời mời gọi sự lột bỏ triệt để này, để sống nghèo khó, không phải là một "lời khuyên" dành riêng cho những Kitô hữu thượng hạng, các tu sĩ nam nữ như đôi khi Người ta thường hiểu như thế... Sự từ bỏ chính là điều kiện của mọi đời sống Kitô hữu như Đức Giêsu đã nói. Phải như thế để trở thành một “môn đệ đơn sơ". "Anh em không thể phục vụ Thiên Chúa và tiền bạc" (Lc 16,13). Một lần nữa, thay vì phải quan niệm những lời ấy của Đức Ki tô như những lời quá đáng, hãy dùng thời gian để cảm nhận chúng như những lời thật sự giải phóng và làm triển nở. "Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà cho em trở nên giàu có" (2Cr 8,9).
Nhưng để hiểu được điều đó, dĩ nhiên Thiên Chúa phải tràn ngập trong một tâm hồn. Chúng ta có tiếp tục hướng về "cái có" một cách tham lam hay không? Chúng ta có khám phá và nghĩ ra một cách sống sung sướng trong tình bạn, sự chia sẻ và tính đơn sơ không?
"Xã hội tiêu thụ không làm cho con người hạnh phúc".
Đức Gioan Phaolô II đã nói với giới trẻ ở Công viên các Hoàng Tử. Họ đã vỗ tay tán thưởng. Họ đã đồng ý. Nhưng thế thì sẽ có những kết luận thực hành nào về phương diện mua sắm, nhịp độ của đời sống và sử dụng tiền bạc... để được tự do hơn. Và thật đơn giản, để "đi theo Đức Giêsu”, để giống Người đôi chút.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Anh Nghèo, vinh quang đời đời của Thiên Chúa ở nơi Ngài!
Nguồn:            

http://www.tinmung.net/SUYNIEM_HANGTUAN/suyniemINDEX1.htm