Trang chủ

Dienstag, Dezember 08, 2015

Đức Phanxicô: Mẹ là chiến thắng của lòng Chúa thương xót
Vũ Văn An12/9/2015

Ngày đầu tiên của Năm Thánh Thương Xót trùng hợp với ngày kỷ niệm 50 năm kết thúc Công Đồng Vatican II và Lễ Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong các bài phát biểu của ngài, Đức Phanxicô đã không quên nối kết cả ba biến cố này.

Năm Thương Xót và Công Đồng Vatican II

Đề cập tới mối liên kết giữa Năm Thánh Thương Xót và Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng Năm Thánh Thương Xót là một thách đố để chúng ta có được tinh thần cởi mở mà Công Đồng Vatican II vốn linh hứng. 

Công đồng quả là “cuộc gặp gỡ thực sự giữa Giáo Hội và con người nam nữ thời đại ta” trong đó, Chúa Thánh Thần “thúc đẩy Giáo Hội ra khỏi những chỗ mắc cạn mà bao năm trước vốn làm Giáo Hội tự giam hãm chính mình để lại hứng khởi lên đường một lần nữa ra đi truyền giáo”. 

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Ở đâu có người, Giáo Hội đều được mời gọi tới với họ và đem niềm vui Tin Mừng đến cho họ”. 

Ngài quả quyết “Năm Thánh thách đố chúng ta bước vào sự cởi mở trên và truyền cho ta đừng quên tinh thần vốn xuất hiện từ Vatican II, tinh thần Người Samaritanô Nhân Hậu, như Chân Phúc Phaolô VI vốn mô tả lúc bế mạc Công Đồng”.

Mẹ Vô Nhiễm, chứng tá tuyệt vời của lòng Chúa thương xót

Tuy nhiên, sự liên kết giữa Năm Thánh Thương Xót và Đức Nữ Trinh Maria đã được Đức Phanxicô đặc biệt nêu bật, không phải chỉ trong lễ khai mạc Năm Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, mà còn trong lúc Đọc Kinh Truyền Tin và nhất là tại PIazza di Spagna vào chiều tối cùng ngày. 

Trong Lễ Khai Mạc Năm Thánh Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên kết Cửa Năm Thánh với câu truyện Thiên Sứ Gabriel tới thông tri cho Đức Mẹ rằng ngài sẽ là Mẹ Thiên Chúa.

Đức Phanxicô nói rằng “chúng ta thực hiện hành vi này, một hành vi hết sức đơn giản nhưng có tính biểu tượng rất cao, dưới ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe. Lời này làm nổi bật tính tối thượng của ơn thánh… Ơn Thánh của Thiên Chúa bảo bọc Đức Mẹ và làm ngài xứng đáng trở thành Mẹ Chúa Kitô”.

Khi Thiên Sứ Gabriel bước vào nhà Đức Mẹ, “ngay mầu nhiệm sâu xa nhất và khó hiểu thấu nhất trong các mầu nhiệm cũng đã trở thành nguồn vui, nguồn tin, và nguồn phó thác vào sứ điệp đang được mạc khải cho ngài”. 

Đức Phanxicô mô tả ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội như một biểu thức nói lên “sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa… Không những Người tha thứ tội lỗi, mà nơi Đức Mẹ, Người còn ngăn ngừa không cho tội nguyên tổ ở đó, dù nó hiện diện trong mọi người nam nữ sinh vào thế giới này” như bài đọc thứ nhất trích từ Sách Sáng Thế đã quả quyết. 

Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, câu truyện trích dẫn trên phản ảnh kinh nghiệm hàng ngày của ta: ta luôn luôn bị cám dỗ bất tuân phục, muốn quyết định lấy đời mình, không đếm xỉa gì tới thánh ý Thiên Chúa. 

“Nhưng lịch sử tội lỗi chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Nếu tội lỗi là điều duy nhất đáng kể, thì chúng ta là những tạo vật khốn khổ nhất ở trên đời”.

Đức Phanxicô quả quyết rằng chiến thắng của tình yêu Chúa Kitô, một chiến hắng từng được Người đoan hứa, sẽ bảo bọc mọi sự trong lòng thương xót của Chúa Cha. Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm đứng trước chúng ta như chứng tá tuyệt vời của sự đoan hứa này và sự nên trọn của nó”. 

Mẹ Vô Nhiễm, hình ảnh tối cao của lòng Chúa thương xót

Rồi sau đó trong ngày, trước khi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với họ rằng “Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội có nghĩa: Đức Mẹ là người thứ nhất được lòng thương xót vô bờ của Chúa Cha cứu rỗi, là hoa trái thứ nhất của ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa muốn ban cho mọi người nam nữ trong Chúa Kitô. Do đó, Trinh Nữ Vô Nhiễm trở thành hình ảnh tối cao của Lòng Chúa Thương Xót, một lòng thương xót đã chiến thắng tội lỗi. Và chúng ta ngày nay, vào lúc khai mạc Năm Thánh Thương Xót này, chúng ta cũng muốn nhìn lên hình ảnh này với một tình yêu tin tưởng và chiêm ngắm Mẹ trong mọi vẻ huy hoàng của Mẹ, mô phỏng đức tin của Mẹ”. 

Đức Phanxicô nói thêm: “nhân dịp Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta được mời gọi nhận ra hừng đông của thế giới mới, được biến đổi nhờ công trình cứu rỗi của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hừng đông sáng thế mới do Lòng Chúa Thương Xót tạo ra. Bởi đó, Trinh Nữ Maria, vì chưa bao giờ bị ô nhiễm bởi tội lỗi và lúc nào cũng tràn đầy Thiên Chúa, nên là Mẹ của nhân loại mới. Ngài là Mẹ của thế giới tân tạo”. 

Cử hành ngày Lễ này, vì thế, bao hàm hai việc: hoàn toàn chấp nhận Thiên Chúa và ơn thánh thương xót của Người trong đời ta; và trở thành các kiến trúc sư của lòng thương xót bằng hành trình phúc âm chân chính, nghĩa là chiến thắng vị kỷ, giúp anh chị em ta hạnh phúc hơn, đem lại cho họ hy vọng, lau khô nước mắt họ và đem lại niềm vui cho họ, nhất là cho những người được Chúa Giêsu yêu thương đặc biệt: người nghèo và người bị hất hủi. 

Ngoài ra, Lễ này cũng nhắc ta nhớ rằng trong đời ta, “mọi sự đều là ơn phúc, mọi sự đều là thương xót… Xin Đức Mẹ… giúp ta luôn khám phá thêm lòng Chúa thương xót như là đặc điểm nổi bật của người Kitô hữu. Lòng thương xót chính là chữ tổng hợp trọn Tin Mừng. Nó là nét nền tảng trên gương mặt Chúa Kitô…”

Mẹ Vô Nhiễm là chiến thắng của lòng Chúa thương xót

Nhưng đặc biệt vào chiều tối ngày 8 tháng 12, Đức Phanxicô đã tới Piazza di Spagna kính viếng Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đặt trên một cột cao, như các vị tiền nhiệm quen làm vào dịp Lễ này. 

Và ở đây, ngài đã dâng lên Đức Mẹ lời kinh rất cảm động trong đó, ngài xưng tụng Đức Mẹ là “chiến thắng của Lòng Chúa Thương Xót”: 

Lạy Mẹ đồng trinh,
Hôm nay, ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Thai,
Nhân danh dân thánh đang sống trong thành phố và giáo phận này,
Con dâng lên Mẹ lòng thành kính trong tin yêu.

Con đến trước nhan Mẹ nhân danh các gia đình, với những vui buồn của họ;
Nhân danh trẻ em và giới trẻ, đang gặp thử thách trong đời;
Nhân danh người cao niên, nặng chĩu tuổi tác và năm tháng trải nghiệm;
Đặc biệt, con đến 
Nhân danh người bệnh, người bị giam cầm,
Và những người đang lao đao.

Trong tư cách một người lãnh đạo, con cũng đến vì tất cả những ai
Từ các lãnh thổ xa xăm tới đây tìm hòa bình và công việc. 

Dưới áo Mẹ, có chỗ cho mọi người,
Vì Mẹ là Mẹ Thương Xót.
Trái tim Mẹ đầy tình âu yếm dành cho mọi con cái:
Tình âu yếm của Thiên Chúa, Đấng, đã nhờ Mẹ mà nhập thể
Và trở thành anh em chúng con, là Chúa Giêsu, 
Cứu Chúa của mọi người nam nữ. 

Ôi Mẹ Vô Nhiễm của chúng con, nhìn Mẹ,
Chúng con thấy chiến thắng của lòng Chúa thương xót
Chiến thắng tội lỗi và mọi hậu quả của nó;
Và niềm hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn lại được nhóm lên trong chúng con,
Hoàn toàn thoát khỏi cảnh nô lệ, hiềm thù và sợ sệt.

Hôm nay, tại đây, giữa lòng Rôma này, chúng con nghe tiếng mẹ từ mẫu
Kêu gọi tất cả chúng con tiến về chiếc cửa kia,
Vốn tượng trưng cho Chúa Kitô.

Mẹ nói với mọi người: “hỡi những kẻ trung thành, các con hãy đến, hãy đến gần hơn;
Hãy bước vào và lãnh nhận ơn phúc thương xót;
Đừng sợ, đừng xấu hổ:
Chúa Cha đang giang rộng đôi tay chờ đợi các con.
Người sẽ tha thứ và và đón chào các con vào nhà Người.
Các con hãy đến, tất cả những ai tìm kiếm hòa bình và niềm vui”.

Lạy Mẹ Vô Nhiễm, chúng con cám ơn Mẹ,
Vì Mẹ không khiến chúng con bước theo đường này một mình;
Mẹ hướng dẫn chúng con,
Mẹ ở gần chúng con và giúp chúng con vượt qua mọi khó khăn.
Xin Chúa chúc lành cho Mẹ, bây giờ và mãi mãi. Amen. 

Rocco Palmo khi tường thuật việc trên, có cho xem cuốn video của CTV. Cuốn video này cho thấy: sau nghi thức tôn kính Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới gặp từng người bệnh ngồi dọc theo hành lang của Piazza. Có tới cả trăm người, nhưng ngài không bỏ sót ai, ân cần hỏi thăm, sẵn sàng cúi xuống nghe họ tâm sự. Có những người nắm chặt lấy bàn tay ngài, nhất định không chịu buông mà ngài cũng không làm bất cứ dấu hiệu gì muốn rút tay lại. Một video thật ý nghĩa vào ngày đầu tiên của Năm Thánh Thương Xót.

Nhiều lần ngài bảo ta nói nhiều quá mà làm không bao nhiêu. Hôm nay quả ngài “làm” nhiều hơn “nói”. Ấy thế mà văng vẳng bên tai, người xem cuốn video của CTV vẫn nghe thấy những giọng van lơn papa Francesco, papa Francesco không hẳn hân hoan chào đón cho bằng nài nỉ kêu van, nghe thảm như tiếng kêu xin của người mù từ lúc mới sinh hay người bất toại ngồi bên giếng ngày nào ở Giêrusalem. Người cần lòng thương nhiều hơn ta tưởng.
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/167169.htm