Trong biến cố truyền tin, Đức Mẹ bỗng chốc trở nên khác thường.
1/ Mẹ là một tình yêu dâng hiến
Thế nào là đầy ân sủng? Và thế nào là Thiên Chúa ở cùng bà? Thiết tưởng sẽ không sai, nếu có ai hiểu đầy ân sủng là đầy tình yêu của Chúa. Nhất là khi lại thêm: Thiên Chúa ở cùng bà, mà “Thiên Chúa chính là tình yêu” (1 Ga 4,8).
Tin vui đầu tiên, mà Đức Mẹ nhận được từ Đức Tổng Lãnh thiên thần là: Đức Mẹ được Chúa chia sẻ chính sự sống của Người là tình yêu của Người cho Đức Mẹ.
Tin đó không phải là lời chào chúc, mà chính là một chứng thực. Thực Thiên Chúa tình yêu đang ở trong Đức Mẹ. Thực Đức Mẹ đang được đón nhận một nguồn tình yêu lạ từ Thiên Chúa.
Đức Mẹ không những tin, mà còn cảm được mình đã thuộc về Chúa. Tình yêu Chúa bao phủ Mẹ. Tình yêu Chúa biến đổi Mẹ. Mẹ trở nên một tình yêu từ Thiên Chúa tình yêu.
Tin ấy được cảm nhận như một cái nhìn mới, đem lại hạnh phúc ngập tràn. Bên cạnh hạnh phúc sâu xa, cái nhìn mới ấy cũng cho Đức Mẹ hiểu những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa.
Những gì mà thánh Phaolô sau này mô tả trong “Bài ca đức mến” chắc cũng đã được Chúa cho Đức Mẹ thấy một cách nào đó, ngay lúc Mẹ được trở nên một tình yêu tuyệt vời của Chúa.
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu… hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
Đặc biệt, những dâng hiến đến cùng, mà sau này Chúa Giêsu sẽ thực hiện, chắc cũng được Chúa cho Đức Mẹ thấy trước.
Như vậy, tình yêu nơi Đức Mẹ trong biến cố truyền tin là một tình yêu dâng hiến. Dâng hiến như Chúa Giêsu dâng hiến. Vì mến Chúa Cha và vì thương nhân loại.
Nhận thức đó không làm cho Đức Mẹ tự hào chút nào. Trái lại, nó đã làm cho Đức Mẹ nên khiêm nhường tự hạ.
2/ Đức Mẹ là một tình yêu khiêm hạ
Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được diễn tả vắn tắt bằng câu trả lời: “Xin vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38).
Lời “xin vâng” lúc đó của Đức Mẹ mở đường cho cả một cuộc đời đầy những từ bỏ. Một phần nào đó, Đức Mẹ biết trước những đau đớn về các từ bỏ của Chúa Giêsu trên đường cứu độ.
Thánh Phaolô viết về Chúa Cứu Thế: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn từ bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8).
Tinh thần khiêm hạ đã luôn đi kèm tình yêu dâng hiến. Nơi Chúa Giêsu là thế. Nơi Đức Mẹ cũng vậy.
Sự khiêm nhường tự hạ làm đẹp cho việc dâng hiến. Hơn thế nữa, nó còn có giá trị cứu chuộc các linh hồn.
Dâng hiến mà không khiêm nhường tự hạ có thể được người đời cho là việc anh hùng, nhưng không có thể được Chúa cho là việc đạo đức có giá trị cứu rỗi.
Nhìn ngắm tình yêu dâng hiến đầy khiêm nhường tự hạ nơi Đức Mẹ, những người con bé nhỏ của Đức Mẹ sẽ rất hân hoan vì những bé nhỏ thấp hèn của mình.
3/ Một tình yêu phục vụ
Ngay sau biến cố truyền tin, Đức Mẹ “đã vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1,39). Mục đích là để viếng thăm bà Êlisabét. Cuộc viếng thăm này đã được Chúa dùng để thánh hoá thai nhi trong lòng bà Êlisabét. Thai nhi đó chính là thánh Gioan Baotixita (x. Lc 1,41-45).
Tình yêu Chúa trong Đức Mẹ đã thúc đẩy Đức Mẹ lên đường phục vụ. Phục vụ kín đáo. Phục vụ cá nhân. Nhưng phục vụ đó đã được thực hiện trong tinh thần vâng theo thánh ý Chúa. Đức Mẹ đã làm một việc bác ái với đúng những điều kiện của phục vụ. Đó là làm đúng việc, cho đúng đối tượng, đúng lúc, đúng cách mà Chúa muốn.
Phục vụ như thế của Đức Mẹ sẽ được Đức Mẹ thực hiện suốt cuộc đời mình.
Qua việc phục vụ ấy, người ta nhìn thấy một tấm lòng bao la cao cả, và cảm nhận được một tình yêu nhưng không vô bờ.
Chúng ta hết lòng cảm tạ Chúa đã chọn Đức Mẹ để mạc khải tình yêu cứu độ.
Đức Mẹ là một bản tin ngọt ngào của Chúa.
Chúng ta vui mừng vì được là con Đức Mẹ. Cho dù chúng ta rất thấp hèn, rất yếu đuối, nhưng chúng ta tin: Đức Mẹ sẽ thương giúp chúng ta luôn biết đón nhận Thiên Chúa tình yêu.
Chúng ta hy vọng Đức Mẹ sẽ đồng hành với chúng ta mọi bước trên đường làm chứng cho Chúa giàu lòng thương xót.
Chúng ta sẽ ca ngợi Chúa đã thực hiện nơi Đức Mẹ lời Chúa phán xưa: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).