Tháng Chín được đánh dấu bởi những biến cố quan trọng khó quên đã xảy ra trong lịch sử nhân loại chúng ta. Trước hết, theo phụng vụ, chúng ta kính nhớ ngày Sinh Nhật của Đức Trinh Nữ Maria (ngày 8 tháng 9). Sự chào đời của Mẹ Maria là niềm vinh dự và hy vọng cho toàn thể thụ tạo nói chung, và cho con người nói riêng. Sau đó ta thấy có Lễ Suy Tôn Thánh Giá (ngày 14 tháng 9), và ngay sau đó là Lễ Mẹ Sầu Bi (15 tháng 9). Đó là theo lịch phụng vụ Giáo hội, còn theo lịch sử mới đây, thì mỗi lần bước vào Tháng Chín, thế giới và cách riêng quốc gia Hoa Kỳ, lập tức liên tưởng đến biến cố 9-11 đau thương đã xảy ra tại thành phố New York cách đây chỉ vài năm. Khách quan nhìn vào, ta thấy những biến cố ấy đều nói lên ý nghĩa củahai tiếng: đau khổ. Vì thế, trong giới hạn khuôn khổ của giấy bút, xin phép cho chúng tôi được cùng với bạn đọc suy gẫm và chia sẻ về “cái đau của người Mẹ” khi Mẹ Maria phải đối diện với những thử thách và biến cố đau thương trong cuộc đời mình.
Là con người, ai ai cũng có những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Đôi khi ta cảm thấy như nỗi buồn còn nhiều hơn cả niềm vui. Chẳng vậy thì người Việt Nam chúng ta đã không có câu: “đời là bể khổ”. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ngày nào có đau khổ của ngày đó”, và chính Ngài cũng đã phải trải qua định luật cuộc sống ấy. Cuộc đời của Chúa Giêsu là những chuỗi ngày gắn liền với hình ảnh và mầu nhiệm của thập giá. Cuộc đời của Chúa Giêsu đã kết thúc cũng tại trên cây thập giá. Vì thế, mầu nhiệm thánh giá đã trở nên như nguồn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại, và hình thù của thập giá đã trở nên rất quen thuộc, nếu không nói là niềm vinh dự, đối với những ai có niềm tin. Nếu người Kitô hữu còn có sự liên hệ mật thiết với mầu nhiệm đau khổ, thập giá, thì huống hồ là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Người mà chính cụ già Simêon trong đền thờ đã nói tiên tri về Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lk 2:35).
Nếu Đức Kitô đã tự đồng hóa mình với thập giá, thì Đức Mari cũng nên một với Con trong việc cứu độ nhân loại qua con đường thập giá. Bởi thế, Giáo hội đã đặt lễ Mẹ Sầu Bị ngay sau ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, để như muốn nói rằng cuộc đời và con người Mẹ Maria cũng luôn kết hiệp nên một với những nỗi khổ đau của Con. Một số người còn gọi lễ này là Lễ Kính Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ. Có lẽ không một đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của thánh sử Gioan, “đã đứng kề bên thánh giá Đức Giêsu” trên đồi Can-va-ri-ô. Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình. Như Giêsu Con Mẹ, Maria cũng tự đồng hóa chính mình với mầu nhiệm đau thương của thập giá. Bởi thế, Mẹ đáng được gọi là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Qua việc cử hành thánh lễ này, Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình hãy chiêm ngắm hình ảnh của một người Mẹ đau thương vì Con và vì chúng ta; đồng thời, kều mời chúng ta hãy an ủi Mẹ bằng cách bắt chước và yêu mến Mẹ hơn.
Để giúp ta hiểu biết và yêu mến Mẹ hơn, chúng ta cùng nhau suy gẫm lại ý nghĩa của những sự thương khó mà chính Mẹ Maria đã phải mang vì yêu thương chúng ta. Như đã biết, Mẹ có bảy sự thương khó lớn nhất trong cuộc đời làm Mẹ Thiên Chúa:
Thứ nhất, lời tiên tri của cụ già Simêon về một “lưỡi gươm” sẽ đâm thấu lòng Mẹ: “Con trẻ này sẽ làm cho nhiều người vấp ngã hoặc đứng lên, còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lk 2:34). Theo Thánh Anphongsô, khi hiện ra với thánh nữ Metinđa, Đức Mẹ đã nói: “Những lời đó của ông già Simeon đã đổi tất cả niềm vui của Mẹ nên phiền sầu cay cực”. Đức Mẹ cũng đã mặc khải cho thánh nữ Brigita biết rằng: “Cả đời Mẹ, không có giờ nào mà Mẹ không cảm thấy bị lưỡi gươm đau khổ của ông già Simeon tiên báo. Mỗi lần trông thấy con, mỗi lần ấp ủ Con, mỗi lần nhìn thấy chân tay Con, là mỗi lần linh hồn Mẹ bị mũi gươm đâm thâu qua, bị nát tan, bị vò xé, vì Mẹ ngỡ là đã nhìn thấy Con Mẹ phải đóng đinh”.
Thương khó thứ hai của Mẹ là khi phải ẵm con vội vã trốn sang Ai-cập. Theo các nhà sử học, thì cuộc hành trình từ Giuđêa sang Ai-cập đã mang lại bao đau khổ cho Đức Maria. Đường dài khoảng 400 dặm, nghĩa là phải đi mất 30 ngày trời, gặp bao nhiêu khó khăn, gian lao. Nghĩ đến thân phận Con Chúa phải chịu chốn trạy vì con người, thì lòng Mẹ đau như thắt. Thánh Gia đã phải sống trên đất khách quê người đến bảy năm, mà theo tác giả Luđônphô Saxa, thì thời gian ấy “Đức Maria rất túng cực, đến nỗi cả mẩu bánh mì cũng không có để cho Chúa Giêsu ăn…”
Thương khó thứ ba xảy ra khi Mẹ bị mất Con lần đầu tiên trong cuộc đời. Thánh Luca nói rằng khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi thì Đức Mẹ và Thánh Giuse đưa lên đền thờ dự lễ, khi về thì bị mất Con. Hai ông bà đã phải vất vả lo âu tìm kiếm Con ròng rã suốt 3 ngày liền. Nhiều nhà thần học cho rằng trong các niềm đau khổ khác, Mẹ Maria vẫn còn có Chúa bên cạnh. Nhưng nỗi đau khổ này lớn hơn cả, cắt xé hơn cả, vì không có Chúa ở bên, không biết Chúa ở nơi nào. Đối với Mẹ Maria, thì ba ngày ấy thật lâu biết chừng nào! Đức Mẹ đã nói với Á Thánh Bienvenue rằng: “Đau khổ của con chưa thấm gì với sự đau khổ của Mẹ khi phải lìa xa Chúa, vắng mặt Chúa ba ngày…”
Thứ tư, Mẹ đau khổ vì nhìn thấy Con mình trên đường thập giá lên đồi Canvê. Không còn nỗi đau nào bằng cái đau của người Mẹ khi thấy Con mình đang bị người đời lên án, đánh đập vô cớ. Theo mạc khải thánh Brigitta, thì khi thấy Mẹ, Chúa Giêsu liền gạt làn máu trên mặt và chăm chú nhìn Mẹ, Mẹ chăm chú nhìn Con. Thánh Anselmô nói: “Lúc ấy Đức Mẹ muốn xông vào để ôm trầm lấy Con mà khóc, nhưng bọn lính đã xô đẩy Mẹ ra”.
Sự thương khó thứ năm của Mẹ là khi chứng kiến Con mình hấp hối và chút hơi thở cuối cùng trên thập giá. Tin Mừng Thánh Gioan nói rất rõ: “Đứng kề bên thập giá Đức Giêsu có Thân Mẫu Người” (Yn 19:25). Cuộc tử đạo của Mẹ được tóm gọn trong câu trên của thánh sử Gioan. Thử hỏi xem có đau thương nào bằng đau thương của Mẹ không? Mẹ đứng đó ngắm nhìn từng vết thương và giọt Máu của Con mình. Theo thánh Giêrônimô, thì “không một vết thương nào trên thân xác Chúa mà không phải là chính vết thương trong Trái Tim Đức Mẹ”. Nỗi đau của Mẹ quá lớn đến độ ngay cả thánh Bênađô cũng phải viết lên rằng: “Chúa nhìn Mẹ và Chúa đau khổ vì thương Mẹ hơn là đau khổ trong thân xác của Chúa”. Chính trong đau khổ tột cùng ấy, mà Mẹ đã cùng với Đức Kitô cứu chuộc loài người, và cũng tại trên núi Can-vê ấy mà Mẹ đã sinh chúng ta một lần nữa.
Thương khó thứ sáu là khi chính tay Mẹ ôm lấy xác chết của Con mình. Cũng chính con người Giêsu khi xưa Mẹ đã bồng ẵm trên tay tại hang Bêlem, thì nay trên tay Mẹ chỉ là một xác chết đẫm máu. Như vậy, Mẹ đã hiện diện và ôm lấy hai cái chết của Con mình: một là cái chết về bản tính thần linh của Thiên Chúa khi Người mặc lấy xác phàm; hai là cái chết về bản tính loài người khi Đức Giêsu chịu chết treo trên thập giá. Chính cảnh tượng của người Mẹ ôm xác con ấy đã trở nên cảm hứng cho rất nhiều họa sĩ danh tiếng trên thế giới, nhất là của nhà điêu khắc chứ danh Michael Angelo. Một hôm Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Brigitta và nói rằng: “Khi xác Đức Giêsu được tháo ra khỏi thánh gá, thì chính Mẹ đã vuốt mắt cho Con, rồi ôm Con vào lòng mà khóc nức nở…”
Sự thương khó thứ bảy mà Giáo Hội tưởng nhớ đến đó là khi táng xác Chúa Giêsu. Trong nghi thức cuối cùng này, chính Mẹ Maria đã hiện diện và trực tiếp tham gia. Đức Mẹ đau buồn khóc lóc thảm thiết, khi thấy mồ đá đã được lấp kín bằng một tảng đá lớn, bởi từ nay Mẹ không còn trông thấy Con nữa… Theo thánh Bênađô thì nỗi phiền sầu của Đức Mẹ lúc bấy giờ rất là bao la thảm đạm. Các môn đệ và các phụ nữ đạo đức còn khóc thương Đức Mẹ hơn cả khóc thương Đức Chúa Giêsu nữa. Và trên đường từ nấm mộ trở về, khi Mẹ đi ngang qua cây Thánh Gia nơi đã treo xác Con mình, thì Mẹ đã dừng lại để thờ lạy Thánh Giá lần đầu tiên. Bởi thế, người đầu tiên trong nhân loại đã thờ lạy và hôn kính Thánh Giá Đức Giêsu chính là Mẹ Maria, Người Mẹ Sầu Bi.
Suy niệm và học hỏi về những sự thương khó của Đức Mẹ giúp ta thêm lòng yêu mến và tri ân Mẹ hơn. Chắc chắn nếu phải kể hết tất cả sự thương khó của Đức Maria thì không giấy bút nào có thể diễn tả hết được. Cuộc đời Mẹ là những chuỗi ngày đau khổ kết hợp với Con yêu dấu. Và cho đến ngày hôm nay, tuy đã về trời, Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao hận thù, chia rẽ, chiến tranh, giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Mẹ có lẽ vẫn là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hỏa ngục. Lời nói tiên tri của cụ già Simêon khi xưa quả rất hiện thực, vì con tim của Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thấu, và người đâm thấu tâm hồn Mẹ lại chính là những đứa con mà Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng.
Trong số những đứa con phản nghịch ấy, phải chăng có tôi và các bạn?
|