Các bài học từ cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô
Vũ Văn An9/25/2013
Cuộc phỏng vấn độc quyền Đức Phanxicô của một số tập san Dòng Tên đã thu hút được thật nhiều chú ý khắp thế giới và không thiếu nước mắt vì xúc động. Linh Mục Martin của tập san America xác nhận: các biên tập viên khi san định bài phỏng vấn để cho đăng đã chưa bao giờ khóc như lần này. Linh mục Malone, tổng biên tập, thì cho rằng trong lịch sử 104 năm của tập san, chưa điều gì được coi là hoàn toàn không tiền lệ, chỉ có cuộc phỏng vấn lần này mới thực sự là vô tiền khoáng hậu mà thôi, một vô tiền khoáng hậu mà chính linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cũng không dám nghĩ tới.
Và việc đầu tiên linh mục Malone muốn nơi người đọc là không đọc bài phỏng vấn này theo kiểu “giáo trình và trịnh trọng” (didactic and formal) mà là theo lối “huynh đệ hơn là cha chú" (fraternal rather than paternal) vì bài phỏng vấn này đầy tinh thần đại lượng, khiêm nhường và âu yếm nồng đậm. Nó đã xua tan chiếc bóng “giáo hoàng quân chủ, tiền công đồng”. “Đức Phanxicô nói với ta như người anh của ta; chữ ‘ta’ của ngài quả là ‘ta’ chứ không phải ‘tôi’”.
Thiếu một ai đó
Đức Hồng Y Dolan của New York tỏ lời ca ngợi Đức Phanxicô đã có can đảm ngồi cho một cuộc phỏng vấn dài và có tính bản thân đến thế, một điều mà không phải ai cũng “dám”. Đức Phanxicô đã không ngại phát biểu đủ điều về lối cầu nguyện của ngài, lối sống thánh thiện của ngài, các hy vọng và thất vọng của ngài. Ngài quả đang đồng hành với ta.
Thái độ trên hết sức cần thiết cho công cuộc tân phúc âm hóa từng khởi diễn với hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, nhờ thế Đức Phanxicô đã phá tan các ấn tượng xấu người ta vẫn có về các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo, vốn được coi như gây trở ngại cho việc truyền bá tin mừng của Giáo Hội.
Trước thái độ này, người xưa nay cảm thấy mình bị Giáo Hội cho ra rìa thì hết sức hân hoan, còn người sống theo kỷ luật, có khuynh hướng tín lý hơn, thì dường như không hài lòng lắm. Tuy nhiên, theo Đức HY Dolan, cả hai nhóm người này đều bỏ sót điều gì đó, hay đúng hơn, một ai đó. Có lẽ Đức Phanxicô sẽ rất thất vọng nếu người ta chỉ chú ý tới ngài, tới cuộc phỏng vấn ngài, tới các tuyên bố của ngài, mà quên mất Chúa Giêsu. Ngài muốn ta trước nhất chú ý tới Chúa Giêsu, nhấn mạnh tới Người, tới con người, giáo huấn, ơn cứu rỗi, lời mời gọi, cái chết và sự phục sinh của Người, mọi cái khác tự nhiên sẽ đến.