Trang chủ

Montag, April 29, 2013


Cùng Mẹ Maria học biết Chúa Kitô, trở thành đồng hình   dạng với Chúa, khẩn nài Chúa và loan báo Chúa


                                                                                                                                           Khi suy tư về Kinh Mân Côi Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng Chuỗi Mân Côi dậy cho tín hữu biết học hiểu Chúa Kitô từ Mẹ Maria. Chúa Kitô là Vị Thầy tuyệt hảo, là Đấng mạc khải và là sự mạc khải. Ở đây không phải là học hiểu những giáo huấn của Chúa, mà là ”học biết Người”.Trong lãnh vực này ai là Thầy dậy chuyên môn giỏi hơn Mẹ Maria? Nếu trên bình diện thiêng liêng Chúa Thánh Thần là Thầy dậy nội tâm dẫn đưa tín hữu tới sự thật toàn vẹn của Chúa Kitô (x. Ga 14,26; 15,26; 16,13), thì giữa loài người không có ai hiểu biết Chúa Kitô hơn Mẹ Maria, và vì thế không có ai có thể dẫn chúng ta bước vào trong sự hiểu biết sâu xa mầu nhiệm của Chúa bằng Mẹ.

Dấu chỉ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm - việc biến nước thành rượu tại tiệc cưới làng Cana - cho thấy Mẹ Maria là Bà giáo, khi Mẹ khích lệ các gia nhân làm theo các chỉ dẫn của Chúa Kitô (x. Ga 2,5). Chúng ta có thể tưởng tượng được Mẹ cũng đã giữ nhiệm vụ này đối với các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên Trời, khi Mẹ cùng với các môn đệ chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống và củng cố các ông trong sứ mệnh đầu tiên. Cùng Mẹ Maria suy niệm các cảnh trong Phúc Âm cũng giống như theo học nơi trường của Mẹ để đọc Chúa Kitô, bước vào trong các bí mật của Người và hiểu sứ điệp của chúng.
Trường học của Mẹ Maria càng hữu hiệu hơn nữa vì Mẹ dậy chúng ta bằng cách chiếm được cho chúng ta dư tràn các ơn của Chúa Thánh Thần, và đề nghị với chúng ta gương của trường ”lữ hành đức tin”, mà Mẹ là Bà giáo không thể so sánh được. Trước mỗi mầu nhiệm của Con Mẹ, Mẹ mời gọi chúng ta, như trong biến cố Truyền Tin, khiêm tốn đặt ra các câu hỏi rộng mở cho ánh sáng, để luôn kết thúc với sự vâng lời của đức tin: ”Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần đã nói” (Lc 1,38) (s. 14)..
Thứ hai là cùng Mẹ Maria trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Nền tu đức kitô có đặc thái khiến cho tín hữu dấn thân để ngày càng trở nên đồng hình dạng với Thầy mình là Chúa Kitô hơn (x. Rm 8,29; Gl 3,10.21). Việc đổ tràn đầy Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội tháp nhập tín hữu như cành nho được tháp vào thân nho là Chúa Kitô (x. ga 15,5) làm cho họ trở thành chi thể Mình mầu nhiệm Người (x. 1 Cr 12,12; Rm 12,5). Tuy nhiên, tương ứng với sự hiệp nhất khởi đầu này cần phải có một lộ trình đồng hóa gia tăng với Người, luôn ngày càng hướng dẫn thái độ sống môn đệ hơn theo cái ”luận lý” của Chúa Kitô: ”Anh em hãy có nơi mình các tâm tình của Chúa Kitô Giêsu” (Pl 2,5). Theo các lời của thánh Tông Đồ cần phải ”mặc lấy Chúa Kitô” (x. Rm 13,14; Gl 3,27).
Trong lộ trình thiêng liêng của Kinh Mân Côi, dựa trên việc chiêm ngắm không ngừng, cùng với Mẹ Maria, gương mặt của Chúa Kitô, lý tưởng đòi hỏi trở thành đồng hình dạng này với Người được tiếp tục qua con đường có thể định nghĩa là ”con đường tình bạn”. Nó đưa chúng ta một cách tự nhiên vào đời sống của Chúa Kitô, và khiến cho chúng ta như ”hít thở” được các tâm tình của Người. Về điều này Chân phước Bartolo Longo nói rằng: ”Như hai người bạn, khi thường xuyên gặp gỡ nhau, họ cũng muốn giống nhau trong các thói quen, cũng thế, khi chuyện vãn thân tình với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, trong việc suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi, và làm thành cùng một cuộc sống với sự Hiệp thông, chúng ta có thể trở thành giống các mầu nhiệm ấy, trong mức độ có thể của sự thấp hèn của chúng ta, và học từ các gương cao cả này việc sống khiếm nhường, nghèo khó, ẩn dật, kiên nhẫn và toàn thiện”.
Để cho tiến trình trở thành đồng hình dạng với Chúa Kitô, trong Kinh Mân Côi, chúng ta hãy đặc biệt tín thác cho hoạt động hiền mẫu của Trinh Nữ Maria. Đấng là người sinh ra Chúa Kitô, trong khi Mẹ cũng chính là người thuộc Giáo Hội như ”chi thể tuyệt hảo và hoàn toàn đặc biệt”, đồng thời cũng là ”Mẹ của Giáo Hội”. Trong tư cách đó Mẹ tiếp tục ”sinh” con cho Thân Mình mầu nhiệm của Con Mẹ. Mẹ làm điều đó qua sự bầu cử, bằng cách khẩn nài cho họ được tràn đầy Thần Khí. Mẹ là hình ảnh toàn vẹn của chức làm mẹ của Giáo Hội.
Chuỗi Mân Côi đưa chúng ta một cách thần bí tới bên cạnh Mẹ Maria dấn thân theo dõi sự trưởng thành nhân bản của Chúa Kitô trong nhà Nagiarét. Điều này cho phép Mẹ giáo dục chúng ta và nhào nặn chúng ta với cùng một sự ân cần, cho tới khi Chúa Kitô ”được thành hình” một cách trọn vẹn trong chúng ta (x. Gl 4,19). Hoạt động này của Đức Maria hoàn toàn dựa trên hoạt động của Chúa Kitô và triệt để tùy thuộc nó, không mảy may ngăn cản sự kết hiệp tức thì của các tín hữu với Chúa Kitô, nhưng làm cho nó được dễ dàng hơn. Đó là nguyên tắc sáng láng được Công Đồng Chung Vaticăng II diễn tả, mà tôi đã kinh nghiệm một cách mạnh mẽ biết bao trong đời tôi, bắng cách lấy nó làm khẩu hiệu giám mục của tôi: ”Totus tuus - Tất cả là của Mẹ”. Một khẩu hiệu, như đã biết, lấy hứng từ giáo lý của thánh Maria Grignion de Montfort, là người đã giải thích vai trò của Mẹ Maria trong tiến trình đồng hình dạng với Chúa Kitô của mỗi người trong chúng ta, như sau: ”Tất cả sự toàn thiện của chúng ta là ở chỗ đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô, hiệp nhất với Người và được thánh hiến cho Người. Vì thế sự sùng kính hoàn hảo nhất trong các việc sùng kính một cách không thể chối cãi được là lòng sùng kính khiến cho chúng ta được đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô, hết hiệp chúng ta với Người và thánh hiến chúng ta nhất cho Người. Giờ đây, vì là thụ tạo đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô nhất nên hậu qủa là trong tất cả mọi sự sùng mộ, lòng sùng mộ thánh hiến và làm cho một linh hồn đồng hình dạng với Chúa chúng ta nhất là lòng sùng mộ Đức Maria, Mẹ Người; và một linh hồn càng được thánh hiến cho Mẹ bao nhiêu, lại càng được thánh hiến cho Chúa Giêsu Kitô bấy nhiêu. Chưa bao giờ như trong Kinh Mân Côi cuộc sống của Chúa Kitô và của Mẹ Maria lại xuất hiện kết hiệp với nhau một cách sâu xa như vậy. Mẹ Maria chỉ sống trong Chúa Kitô và vì Chúa Kitô mà thôi! (s. 15).
Thứ ba, cùng Mẹ Maria khẩn nài Chúa Kitô. Chúa Kitô đã mời gọi chúng ta hướng tới Thiên Chúa với sự kiên trì và lòng tin tưởng được nhận lời: ”Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì được mở cho” (Mt 7,7). Nền tảng sự hữu hiệu này của lời cầu nguyện là lòng nhân lành của Thiên Chúa Cha, nhưng cũng là sự trung gian gần Người từ phía chính Chúa Kitô (x. Ga 2,1), và hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Đấng ”bầu cử cho chúng ta” theo các chương trình của Thiên Chúa (x. Rm 8,26-27). Thật thế, chúng ta ”chẳng biết xin gì thích hợp với chúng ta” (Rm 8,26) và đôi khi chúng ta không được nhận lời vì ”chúng ta không biết xin” (x. Ga 4,2-3).
Để nâng đỡ lời cầu nguyện mà Chúa Kitô và Thần Khí làm vọt lên trong con tim chúng ta, Mẹ Maria can thiệp với sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ. Lơi cầu nguyện của Giáo Hội như được đỡ nâng bởi lời cầu nguyện của Mẹ Maria. Thật thế, nếu Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất, là Con Đường lời cầu nguyện của chúng ta, thì Mẹ Maria, là sự trong suốt tinh tuyền của Người, chỉ cho chúng ta Con Đường, và từ sự cộng tác đặc biệt ấy của Mẹ vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, mà các Giáo Hội đã phát triển lời cầu lên Mẹ Thánh của Thiên Chúa, bằng cách tập trung nó nơi con người của Chúa Kitô được tỏ hiện ra trong các mầu nhiệm. Tại tiệc cưới Cana Phúc Âm cho thấy sự hữu hiệu lời bầu cử của Mẹ Maria, là phát ngôn viên các nhu cầu của con người bên Chúa Giêsu: ”Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3).
Kinh Mân Côi vừa là việc suy niệm vừa là lời khẩn cầu. Lời khẩn nài kiên trì của Mẹ Thiên Chúa dựa trên lòng tin tưởng mà sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, có thể làm tất cả đối với trái tim của Con Mẹ. Mẹ ”toàn năng vì ơn thánh”, như kiểu diễn tả táo bạo mà Chân phước Bartolo Longo nói trong Lời khẩn nài Đức Trinh Nữ. Đây là một sự chắc chắn rằng, từ Phúc Âm, nó được củng cố bởi con đường kinh nghiệm nơi dân kitô. Thi sĩ Dante giải thích nó một cách tuyệt diệu theo hướng của thánh Bernardo, khi hát: ”Hỡi Bà, Bà cao cả biết bao và có giá trị biết bao, ai muốn được ơn thánh mà lại không chạy đến cùng Bà, ước muốn của họ muốn bay cao mà không có cánh”. Trong Kinh Mân Côi Đức Maria là cung dền của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35), trong khi được chúng ta khẩn nài, Mẹ đứng trước Thiên Chúa Cha, là Đấng đã ban cho Mẹ tràn đầy ơn phước, và trước Chúa Con sinh ra từ cung lòng Mẹ, để cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.
Thứ năm cùng Mẹ Maria loan báo Chúa Kitô. Kinh Mân Côi cũng là một lộ trình loan báo và đào sâu, trong đó mầu nhiệm của Chúa Kitô được liên tục giới thiệu với các mức độ kinh nghiệm kitô khác nhau. Mô thức là một diễn tả cầu nguyện và chiêm niệm nhằm nhào nắn người mộn đệ theo trái tim Chúa Kitô. Thật thế, nếu trong việc lần hạt Mân Côi mọi yếu tố giúp suy niệm hữu hiệu được đánh giá một cách thích dáng, thì nảy sinh đặc biệt trong việc cử hành cộng đoàn trong các giáo xứ và các đền thánh, một cơ may dạy giáo lý có ý nghĩa, mà các Chủ Chăn phải biết tiếp nhận. Đức Trinh Nữ Mân Côi cũng tiếp tục công trình của Mẹ loan báo Chúa Kitô trong kiểu này. Lịch sử Kinh Mân Côi cho thấy lời kinh này đã được dùng như thế nào, đặc biệt bởi các tu sĩ Đa Minh, trong một thời điểm khó khăn đối với Giáo Hội vì lạc giáo lan tràn. Ngày nay, chúng ta đang đứng trước các thách đố mới. Tại sao lại không cầm lấy tràng hạt trên tay với đức tin của những người đã đi trước chúng ta? Kinh Mân Côi duy trì tất cả sức mạnh của nó và là một tài nguyên không được coi thường trong mục vụ của mọi người rao giảng tin mừng tốt.
(Thánh Mẫu Học bài 357)

Linh Tiến Khải

Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2013/04/29/c%C3%B9ng_m%E1%BA%B9_maria_h%E1%BB%8Dc_bi%E1%BA%BFt_ch%C3%BAa_kit%C3%B4,_tr%E1%BB%9F_th%C3%A0nh_%C4%91%E1%BB%93ng_h%C3%ACnh_d%E1%BA%A1ng_v%E1%BB%9Bi_ch%C3%BAa/vie-687491