I. THƯA MẸ, MẸ LÀ AI?
Chúng ta có quyền và có nhiệm vụ hỏi Mẹ Maria câu này: “Thưa Mẹ, Mẹ là ai?”. Trước khi tìm cách tôn kính Mẹ Maria thì chúng ta phải bận tâm tìm hiểu Mẹ hơn. Nhưng tìm hiểu Mẹ Maria không phải là việc dễ. Chúng ta vấp phải một nghịch lý. Đàng khác người thiếu nữ Do Thái ấy không giữ một vai trò nào trong đời sống tôn giáo, xã hội, chính trị hoặc văn hóa trong thời đại của nàng và trong xứ sở nàng đã sống. Không một sử gia nào nhắc đến tên nàng. Ngoài ra, chính người thiếu nữ ấy đã táo bạo tiên báo “mọi thế hệ sẽ khen nàng diễm phúc”. Điều lạ lùng nhất là lời tiên tri ấy đã được thực hiện một cách vẻ vang.
Từ buổi đầu của Kitô giáo, Mẹ Maria đã được tán dương bằng mọi cách và trong mọi ngôn ngữ. Thế kỷ XII, thánh Bernardo đã gọi Mẹ Maria là: “Trung tâm thế giới, là công trình của thế kỷ”. Thánh nhân giải nghĩa: “Mọi người đều hướng nhìn về Mẹ, những người ở trên trời, những người ở dưới vực sâu, những người đã sống trước chúng ta, những người đang sống với chúng ta và sẽ đến sau chúng ta, con cái của những con cái chúng ta, và những con cái sẽ sinh ra bởi chúng. Những người trên trời mong chờ những chỗ trống có người ở; những người dưới vực sâu trông mong chóng ra khỏi nơi ấy; những người đến trước chúng ta chờ chực những lời hứa chóng thành tựu; và những người đến sau chúng ta ngóng trông chóng được hiển vinh”.
“Lạy Mẹ Thiên Chúa, lạy Nữ hoàng vụ trụ, lạy Nữ vương Thiên đàng, phải, tất cả các thế hệ sẽ khen Mẹ diễm phúc, vì Mẹ đã sinh ra cho tất cả các thế hệ sự sống và sự hiển vinh. Trong Mẹ, các Thiên Thần tìm được niềm hoan lạc, các người công chính gặp được ân sủng, các tội nhân phục hồi ơn tha thứ, cho đến muôn đời” (Pent 2.4).
Tuy nhiên, nói về Mẹ Maria là điều rất khó. Mẹ đơn giản đến nỗi không có một cái gì đáng nói. Không một cái gì trong kiếp phù sinh của Mẹ khêu gợi tính tò mò của chúng ta được lâu dài. Mẹ không phải là một nhân vật tiểu thuyết, Mẹ càng không làm nên một luận đề cho khoa cổ sử. Trái lại, Mẹ liên can một cách mật thiết với mầu nhiện Con Thiên Chúa làm người mà Mẹ không thể chia lìa được với mầu nhiệm này. Đối với câu hỏi: “Thưa Mẹ, Mẹ là ai?”. Mẹ sẽ dùng lời ca vinh Magnificat mà trả lời chúng ta thế này: “Chúa đã trông đến sự thấp hèn tôi tá Chúa… Đấng Toàn năng đã làm cho Mẹ những sự trọng đại” (Lc 1.48).
Về phương diện loài người, Mẹ Maria không làm một sự gì có thể phân biệt Mẹ ra khỏi các phụ nữ khác sống trong thời Mẹ và trong mọi thời. Sự khác biệt lớn lao đặt Mẹ Maria vào một vị thế hoàn toàn ngoại trừ, và trên tất cả các phụ nữ khác là vì những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ, trong Mẹ và nhờ Mẹ. Thiên Chúa đã nhìn Mẹ với một cách nhìn khác hẳn nơi các tạo vật khác. Trước mọi thời gian, Thiên Chúa đã trông thấy và đã muốn việc nhập thể của Con Ngài; Thiên Chúa đã trông thấy và đã muốn một người Mẹ cho Người Con mà Ngài sẽ ban cho thế gian. Cũng một cái nhìn ấy Thiên Chúa đã thấy Con và Mẹ. Rồi cũng một cái nhìn và cũng một tình yêu ấy, Thiên Chúa đã bao quát tất cả chúng ta trong Chúa Giêsu và trong Mẹ Maria.
Mẹ Maria không phải là ánh sáng, nhưng Mẹ hoàn toàn trong sáng. Aùnh sáng, ánh sáng thật là Chúa Giêsu Kitô. Ngài là ánh sáng vĩnh cửu, vô hình, tự hữu và Mẹ Maria đã làm cho chúng ta trông thấy được ánh sáng tự hữu ấy. Theo kinh Tiền tụng của các lễ kính Đức Trinh Nữ Maria thì Mẹ “đã chiếu dãi vào thế gian ánh sáng vĩnh cửu là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Mẹ Maria trong ánh sáng, Mẹ không đặt một ngãng trở nào cản ngăn ánh sáng; hơn nữa, Mẹ còn cho phép chúng ta thỏa thuê thưởng thức ánh sáng.
Người ta có thể so sánh Mẹ Maria với một cửa sổ kính mầu. Cửa sổ kính mầu không phải là ánh sáng, nó khác với ánh sáng, nhưng nó không thể chia lìa ra khỏi ánh sáng. Không có ánh sáng thì cửa sổ kính mầu không là gì, không có vẻ đẹp và cũng không có gì là hứng thú. Đối với Mẹ Maria cũng thế. Nếu chúng ta nhìn Mẹ ngoài ánh sáng của Con Mẹ, và không đặt Mẹ vào trong viễn tượng của sứ mệnh Thiên Chúa ký thác cho Mẹ thì Mẹ không có gì quyến dũ được trí lòng chúng ta. Nếu trái lại, chúng ta nhìn ngắm Mẹ trong ánh sáng huy hoàng Mẹ chiếu giãi vào thế gian, thì Mẹ trở nên cho chúng ta một hứng thú phi thường. Cửa sổ kính mầu cho phép chúng ta tha hồ nghiên cứu những tia sáng đang chờn vờn trên mặt các kính mầu và mầu sắc thay đổi tuỳ theo thời gian trong ngày và độ tối của các tia sáng.
Còn hơn thế nữa khi nói về Mẹ Maria, vì Mẹ là một cửa sổ kính mầu sống động và hay thương. Mẹ hoàn toàn trinh trong, trinh trong về trí khôn và về tâm hồn. Nếu một nghệ sĩ, hoặc một thi sĩ có thể dùng tài ba diễn tả lại vẻ đẹp của tia sáng mặt trời chiếu qua một cửa sổ kính mầu trong một nhà thờ chính tòa thì nghệ sĩ và thi sĩ ấy lại không tài nào vẽ lại được sự rực rỡ của Mẹ Maria. Cửa sổ kính mầu dầu có giá trị đến đâu đi nữa cũng chỉ là vật bất động. Nghệ sĩ làm nên cửa sổ kính mầu cũng bị giới hạn, và mặt trời không phải lúc nào cũng chiếu xuống như nghệ sĩ mong muốn. Đối với Mẹ Maria thì nghệ sĩ là chính Thiên Chúa, ánh sáng là ánh sáng sống động, ánh sáng rực cháy, tình yêu vĩnh cửu.
Trong sách Khải Huyền, thánh Gioan nói đến một điều lạ vĩ đại hiện ra trên trời như sau: “Một người Nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12.1). Đây là điềm chỉ Giáo hội, nhiệm thể Chúa Kitô, còn đang bị con rồng tấn công. Đây cũng là điềm chỉ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là phụ nữ đích thực mặc mặt trời. Mẹ là hình tượng thế mạt của Giáo hội, nghĩa là Giáo hội đã được hình thành, được nhắc đến một cách bóng bảy. Ngôi Lời Thiên Chúa, ánh sáng vĩnh cửu, bắt đầu giãi sáng trên thế gian trong Mẹ và nhờ Mẹ.
Vì thế rất khó mà nói về Mẹ Maria một cách thỏa đáng. Những từ ngữ của chúng ta quá nghèo nàn, không diễn tả nổi ánh sáng huy hoàng chiếu toả ra từ gương mặt Mẹ. Đàng khác, để phác họa ánh sáng chúng ta lại bó buộc phải dùng những bóng tối. Người ta hiểu được rằng chính nghi lễ cũng nhận thức được nỗi bất lực của mình nên đã gói gồm mầu nhiệm Mẹ Maria trong những ngôn từ. Một đáp ca của nghi lễ Sinh Nhật đã đọc như sau: “Hỡi Mẹ Đồng Trinh thánh thiện và tinh tuyền, con biết lấy lời nào để tán tụng Mẹ? Con không biết lấy lời nào vì Đấng mà trời đất không thể nào chứa đựng được thì Mẹ lại cưu mang trong lòng mình”.
Người ta đã diễn tả nỗi khó khăn nói về Mẹ một cách phải lẽ bằng câu ngạn ngữ sau đây được gán cho thánh Bernardo, nhưng thật ra không phải của ngài: “ De Maria nunquam satis: Nói về Maria không bao giờ cùng!” Câu ấy có nghĩa là người ta không bao giờ thỏa mãn về những điều người ta đã nói để tôn vinh Mẹ Maria, vì không thể nào gói gồm trong những từ ngữ nhân loại mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Câu ấy cũng có nghĩa là người ta có thể để ý đến từng phần của mầu nhiệm rồi tìm hiểu những phong phú tiềm ẩn bên trong, nhưng người ta hoàn toàn bất lực không thể diễn tả nổi tất cả chiều sâu của mầu nhiệm.
Câu: “De Maria nunquam satis” diễn tả lòng khát khao hiểu biết, yêu mến và tán dương Mẹ Maria mỗi ngày một hơn, nhưng lại có thể hoàn toàn hiểu lầm và cuối cùng dẫn đưa đến một sai lầm về tín lý. Một số người lại cho rằng câu ấy có nghĩa thế này: người ta có thể nói về Mẹ Maria tất cả những gì người ta muốn mà không sợ qúa thuyết. Hãy ý tứ! Khi người ta lạc đường thì bất kể người ta đổi chiều về tay trái hay hướng về tay mặt. Trong vấn đề nầy hơn mọi vấn đề khác, khi người ta nói về Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa người ta phải rất ý tứ đến ý nghĩa của từng từ ngữ, nghĩa là người ta phải chắc về ý nghĩa của mọi từ ngữ theo thần học. Tất cả những gì liên quan đến Mẹ Maria hoặc gần hoặc xa thì đồng thời cũng liên hệ với Con Mẹ. Nếu người ta phóng đại những đường nét chính của một gương mặt, người ta sẽ làm cho gương mặt bị dị dạng, sẽ trở nên không nhìn ra nữa, và không mấy chốc trở thành bức hoạt họa. Người ta đã làm sai lạc gương mặt Mẹ Maria thì cũng vì thế người ta sẽ làm cho gương mặt Chúa Kitô trở nên méo mó.
Trong những người nói về Mẹ Maria hùng hồn hơn hết có thánh Bernardo chiếm một vị thế rất tốt đẹp. Tuy nhiên ngài đã thú nhận thế này: “Chắc chắn không một sự gì làm say mê lòng tôi và đồng thời cũng làm cho lòng tôi khiếp sợ bằng việc cao rao vinh quang Mẹ Đồng Trinh. Đã hẳn, mọi người đều bước theo Mẹ, đều tôn kính Mẹ, đều tiếp đón Mẹ với những tâm tình mà mỗi người sướng vui nên khi nói về Mẹ. Nhưng, tất cả những gì người ta nói về một điều khôn tả tai trở nên ít hứng thú, ít khoái trá và ít đang tiếp nhận, chỉ vì người ta không thể diễn tả nổi” (Ass 4.5).
Phải, khó mà nói về Mẹ Maria vì Mẹ vượt quá mọi phạm trù của chúng ta. Nhưng đây lại là một nhu cầu và một nhiệm vụ đối với một người con phải tìm hiểu Mẹ mình hơn ngõ hầu có thể nói về Mẹ một cách bớt bất xứng hơn. Đây là một nhiệm vụ phải nói về Mẹ Maria, vì Mẹ rât ít được biết đến, và rất hay bị lãng quên. Biết bao điều người ta đã nói hoặc đã viết về Mẹ, nhưng lại là những điều không thật. Ngày nay hơn bất cứ thời đại nào, người ta chối bỏ con người của Mẹ, Thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Mẹ, đức Đồng trinh của Mẹ và địa vị của Mẹ trong Giáo hội. Tất cả những bóng tối người ta chiếu giãi xuống gương mặt Mẹ Maria tất nhiên làm cho gương mặt của Chúa Kitô và gương mặt của Giáo hội trở nên xấu dạng.
Một vài người khác, có lòng ngay ít nhiều, nhưng không được hướng dẫn một cách chắc chắn, lại sợ rằng trong khi nghiên cứu mầu nhiệm Mẹ Maria, người ta sẽ bỏ quên hoặc nhiều hoặc ít con người Chúa Kitô. Lo sợ như thế chỉ là hão huyền. Một cuộc nghiên cứu đứng đắn về nhân vị Mẹ Maria và về sứ mạng Thiên Chúa đã ký thác cho Mẹ bao giờ cũng đưa đến chỗ làm sáng tỏ mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Nói ngược lại, người ta càng suy ngắm Chúa Kitô, người ta càng tìm ra cái tầm mức quan trọng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria trong việc hiện thực biến cố lạ lùng ấy.
Thật là vô ích nếu chúng ta tự hỏi có nên dành cho Mẹ Maria một địa vị nhỏ hoặc lớn trong đời sống chúng ta không. Chúng ta không có nhiệm vụ dành cho Mẹ một địa vị, chính Thiên Chúa đã tự giữ cho mình nhiệm vụ này, và Chúa thi hành mọi sự với đức khôn ngoan và tình yêu. Chúng ta có thể hoàn toàn tín nhiệm vào Thiên Chúa. Chúng ta chỉ phải tìm hiểu xem Chúa đã ban cho Mẹ một địa vị nào trong Giáo hội. Lúc ấy chúng ta sẽ thán phục mà chấp nhận những gì Thiên Chúa đã làm; chúng ta sẽ dành cho Mẹ, trong đời sống của chúng ta, tất cả địa vị mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.
Thật ra, Thiên Chúa không cần đến Mẹ Maria để ban Con mình cho thế gian. Thiên Chúa không cần một ai, không cần Mẹ Maria, và cũng không cần bất cứ một ai khác. Chúng ta chắc chắn điều này là: “chính tình yêu qúa độ Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta” (Eph 2.4), tình yêu ấy đã thúc đẩy Thiên Chúa tuyển chọn Mẹ Maria. Đây là quyền của Thiên Chúa, và chúng ta không có quyền cật vấn tại sao Thiên Chúa lại hành động như thế.
Bác bỏ mầu nhiệm Mẹ Maria là làm lăng nhục cho đức khôn ngoan và lòng nhân hậu Thiên Chúa, là từ chối không muốn bước vào hoàn toàn trong kế hoạch Thiên Chúa và nghi ngờ tình yêu mênh mông của Chúa.
Người ta gọi Mẹ Maria là Rạng Đông, điều ấy đúng. Tất cả vẻ đẹp của rạng đông đều phát xuất từ mặt trời mà người ta chưa trông thấy, nhưng người ta đã trông thấy những tia sáng tác phúc. Không mặt trời, rạng đông sẽ không có vẻ huy hoàng; không Chúa Kitô, Mẹ Maria sẽ không có ánh sáng.
Người ta còn gọi Mẹ Maria là Sao Mai. Biệt hiệu thi vị này chứa đựng một thực tại cao siêu. Tinh tú mà chúng ta gọi là sao mai chỉ là một hành tinh tự mình không có sức nóng, mà cũng không có ánh sáng. Vì sao mai sáng nên người cổ thời gọi là sao Lucife, nghĩa là sao mang ánh sáng. Sau đấy, người ta gọi là sao Vệ nữ (Venus) vì vẻ đẹp của nó. Tất cả vẻ đẹp của sao mai đều xuất phát từ khả năng tiếp nhận ánh sáng mặt trời rồi chiếu giãi xuống trái đất chúng ta.
Sao mai luôn luôn ở gần mặt trời hơn trái đất chúng ta. Chúng ta có thể trông thấy nó vào buổi sáng khi hừng đông ló rạng, hoặc buổi chiều khi hoàng hôn đổ xuống. Bao giờ sao mai cũng báo hiểu sự hiện diện của mặt trời mà xung quanh mặt trời sao mai vẫn xoay vần. Khi trời bắt đầu sáng, sao mai báo trước mặt trời sắp mọc mặc dầu ta chưa trông thấy mặt trời. Khi sao mai xuất hiện ban chiều thì lại có tên là sao hôm, sao mục tử. Nó cho người mục tử coi giữ đàn súc vật biết rằng đã đến lúc phải về nhà để nghỉ đêm. Sao hôm cũng chứng tỏ rằng mặt trời đã khuất khỏi mắt chúng ta nhưng vẫn còn chiếu sáng.
Trong vũ trụ thiêng liêng của chúng ta, Mẹ Maria là sao mai báo trước Chúa Kitô đích thật hiện diện, mặc dầu chúng ta chưa trông thấy Ngài. Mẹ cũng là ngôi sao hôm, ngôi sao mục tử sáng chói trên bầu trời khi màn đêm tăm tối bao phủ xuống chúng ta, khi những thử thách dằn vặt chúng ta, và khi mối nghi ngờ cản trở chúng ta. Mẹ Maria là mẹ của mục tử chân chính, của mục tử nhân hậu thí mạng sống mình vì đàn chiên. Mẹ là dấu chỉ hy vọng, là tang chứng cho sự hiện diện và sự rạng ngời của Con Mẹ là mặt trời công chính. Vũ trụ chúng ta sẽ ra sao nếu không có tinh tú? Đời chúng ta sẽ ra sao nếu không có Mẹ Maria.
Chúng ta đừng sợ mà hỏi Mẹ Maria câu này: “Thưa Mẹ, Mẹ là ai? Mẹ là ai đối với Thiên Chúa? Mẹ là ai đối với Chúa Kitô? Mẹ là ai đối với chúng con? Chúng ta sẽ có được câu trả lời khi tìm kiếm trong Thánh Kinh, trong Cựu và Tân Ước, trong giáo thuyết của Giáo hội, và trong lễ nghi. Chúng ta cũng sẽ tìm được câu trả lời trong thâm tâm chúng ta. Chính Mẹ Maria sẽ dạy chúng ta biết Mẹ là ai đối với Chúa Kitô và đối với chúng ta. Thánh Gioan đã viết cho các giáo hữu tiên khởi như sau: “Ơn xức dầu anh em nhận được bời Ngài (Chúa Kitô) sẽ dạy dỗ anh em mọi sự” (1Jn 2.27). Dầu là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội, và chính Thánh Thần ấy “hướng dẫn chúng ta đến chân lý toàn vẹn” (Jn 16.13).
Mẹ Maria là người đã sinh ra Chúa Giêsu gọi là Kitô (Mt 1.16). Chúa Giêsu là “Con duy nhất Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời; Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” (Kinh Tin Kính) Thiên Chúa ấy sinh ra bởi Thiên Chúa đồng thời cũng sinh ra bởi một người nữ, người nữ đó là Mẹ Đồng Trinh Maria. Mẹ đúng là một phụ nữ tuyệt diệu, rất gần gũi Thiên Chúa, nhưng cũng rất gần gũi chúng ta. Mẹ là sự khoan thứ kỳ diệu của Thiên Chúa, và số mệnh Mẹ là số mệnh khôn sánh của một phụ nữ thuộc nòi giống chúng ta.