KINH TIN KÍNH
|
KINH TIN KÍNH
SINH BỞI ĐỨC TRINH NỮ
Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai. Sinh bởi Bà Maria đồng trinh. Chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác.
|
|
Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi. Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Chúa Thánh Thần Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người. Vì chúng tôi người chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng.
|
LỊch SỬ
Cho đến đây, Kinh Tin Kính nói về những mầu nhiệm cao cả, siêu việt, thuộc lãnh vực vô hình. Bây giờ tín biểu quay về phía lịch sử để tín hữu tuyên xưng lòng tin vào những sự kiện cụ thể đã xảy ra tại một nơi, vào một lúc. Đặc tính của Kitô giáo cốt tại điểm này: tin vào một Thượng Đế đã trở nên người phàm; các tín điều kitô giáo không dựa vào những lý lẽ tinh tế, nhưng dựa vào những biến cố cụ thể, mà bất cứ ai cũng có thể kiểm chứng. Đức Chúa Trời để tạo vật là chúng ta ‘cứu xét’ về Người.
Cho đến thế kỷ 4, tín biểu dùng công thức này: natus de Spiritu Sancto ex Maria Virgine, tức “sinh bởi Thánh Thần từ Đức Maria đồng trinh,” rồi sau đó chuyển qua công thức đang dùng hiện nay với mục đích nêu rõ hơn vai trò của Thần Khí và của Đức Maria: trước hết là tác động của Thiên Chúa, rồi đến việc hợp tác của tạo vật. Tín biểu Nixê-Côngxtăntinốp chỉ nói thêm lý do cứu độ: “Vì chúng tôi” và dùng một thuật ngữ kitô học: “Đã nhập thể”.
Như đã lưu ý trước đây, Kinh Tin Kính vắn tắt nêu lên những điều Phúc âm trình thuật dài rộng hơn. Thật sự, công thức tín biểu dùng, chỉ nêu hai cực của cuộc đời Đức Giêsu: thụ thai và chết; còn những biến cố trong đời Ngài thì tín hữu đã biết rồi. Có kẻ phàn nàn cho là vì dùng công thức ngắn như vậy nên đã bỏ sót quá nhiều điều; chắc hẳn, để làm quen với nhân vật lịch sử Giêsu Nadarét thì cần phải biết những chi tiết về đời Ngài càng nhiều càng tốt; nhưng đó là nhiệm vụ của các người giải thích tín biểu. Bản tuyên xưng đức tin tất phải ngắn, như các tông đồ đã cho thấy. Lúc các ngài thuyết giảng thì chỉ nhắc đến những điểm then chốt, như Phêrô làm trong ngày ngũ tuần: “Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Ngài, Thiên Chúa đã cho Ngài làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em; chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Ngài vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại... Về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2:22-32). Đó là kérygma, “lời rao giảng” tức nội dung cơ bản của sứ điệp Tin mừng.
Về Đức Giêsu, có thể biết được chắc chắn nhiều điều. Nguồn liệu gốc không chỉ là bốn Phúc âm mà còn một số tác phẩm khác ngoài Kitô giáo. Hai sử gia Rôma là Tacitus († 120) và Suetonius († 138) đã biết “tên Kitô” bị quan Pilatô xử quyết trên một thập tự. Sử gia Do thái Giôsêphô († 100) đã ám chỉ về Đức Giêsu, và cuốn Talmud Do thái cũng ghi là “tên Giêsu” bị đóng đinh vào thập giá. Sự kiện này đã diễn ra rất có thể là vào ngày mùng 7 tháng 4 năm 30. Là một biến cố chắc chắn việc Đức Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan Tẩy giả, vì các môn đồ của Chúa phục sinh chẳng có thể bịa ra chuyện ấy, nhất là vào một thời đang tranh luận với các môn đồ của Gioan; quả vậy, các môn đồ của Gioan Tẩy giả giữ lập trường cho rằng Gioan cao trọng hơn Đức Giêsu vì lẽ Gioan ban phép rửa cho Đức Giêsu; thế nên, nếu biến cố ấy được ghi lại trong Phúc âm thì chính là vì đã thật sự xảy ra như vậy. Cứ lý luận như thế thì cũng biết được chắc chắn Đức Giêsu là người Nadarét, vì ấp ấy chẳng có tiếng tăm gì. Ngài bị một môn đồ trong nhóm thân cận nhất phản bội cũng là một sự việc chắc chắn. Tên mẹ Ngài là Maria cũng là điều chắc chắn, và cũng là sự kiện chắc chắn: Ngài là con nhà nghèo. Nói chung, các sử gia chấp nhận Đức Giêsu đã từng là một rabbi, thầy giảng dạy, và đã giảng dạy một giáo thuyết mới lạ cũng như đã làm những phép thần diệu, mà khi ấy có nhiều phù thủy hoặc thánh nhân chủ trương mình cũng làm nổi. Rồi còn có nhiều biến cố khác được bốn Phúc âm ghi lại, với mức độ xác suất – nếu không nói là xác thực – cao, xét theo tiêu chuẩn sử học, đặc biệt là bữa tiệc ly trước khi Ngài đi vào cuộc tử nạn. Đành rằng các Phúc âm không phải là những cuốn tiểu sử viết về Đức Giêsu; hơn nữa, phương pháp viết sử thời xưa không như hiện nay; dù vậy, không thể phủ nhận được sự kiện những việc làm và giáo lý của Ngài ăn khớp với hoàn cảnh văn hóa và lịch sử thời bấy giớ, ít là một cách tổng quát. Dù sao, đối vói đức tin kitô, bản thân Đức Giêsu quan trọng hơn những gì được kể lại về lời Ngài nói, về việc Ngài làm.
Nhập Thể
Trọng tâm của công thức đang bàn là mầu nhiệm Nhập thể, tức sự kiện Con Một của Thiên Chúa trở nên con của Đức Maria. Đó là một biến cố cụ thể, gồm hai khía cạnh: hiện tượng học và thần học. Đối tượng của đức tin là khía cạnh thần học; dù dễ phân biệt giữa hai khía cạnh, nhưng đôi khi khó mà tách biệt. Uyên nguyên của đức tin là mạc khải từ Thiên Chúa; nguồn liệu về biến cố là các Phúc âm; vấn đề là bản văn ấy làm chứng cho cả hai, và vì thế có thể đọc với con mắt thế trần hay là với con mắt đức tin: chưa chắc hai cách đọc ấy nhận ra cùng một điều. Thế nên, điều lòng tin nhất quyết khẳng định, sử gia có thể có lý để nghi ngờ.
Thử nhìn Phúc âm với con mắt “trung lập” xem Đức Giêsu đã sống như thế nào. Trước hết, theo Luca 2:1, Ngài sinh ra dưới triều đại hoàng đế Rôma là Augustus (n. 29 tr. cn đến n. 14 cn) và, theo Mátthêu 2:1, vào thời vua Hêrôđê trì vị xứ Giuđêa; Hêrôđê (cha) từ trần năm 4 tr. cn. Vì thế, hẳn Đức Giêsu đã sinh ra vào khoảng năm 5 hay 6 trước công nguyên. Chào đời ở đâu? Phúc âm Mátthêu và Luca nói là tại Bêlem; nhưng vì tiếp đó tác giả ghi thêm: đó là để ứng nghiệm lời của tiên tri Mikha, nên có người nghi ngờ là Mátthêu đã bịa chuyện để cho phù hợp với lời tiên tri. Tuy nhiên, Phúc âm Gioan 7:42 cũng ám chỉ đến Bêlem, và biến cố được rút ra từ một truyền thống độc lập chỉ gặp thấy ở trong Mt và Lc, cho nên rất có thể làng ấy thật là sinh quán của Đức Giêsu.
Như đã nói, chắc là Đức Giêsu sinh trưởng tại làng Nadarét. Lc 2:39 chỉ thuật giản dị rằng khi ông Giuse và bà Maria “đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilêa”; Mátthêu kể chuyện với nhiều chi tiết phức tạp hơn về các nhà chiêm tinh đến bái lạy Hài Nhi Giêsu, rồi vua Hêrôđê muốn giết Ngài và cha mẹ phải trốn sang Aicập; Hêrôđê chết rồi các ngài mới trở về Nadarét. Sau đó, suốt bao nhiêu năm lịch sử Phúc âm không cho biết thêm gì. Còn các ngụy thư thì kể không thiếu chi những chuyện hão huyền về Hài Nhi Giêsu, nhưng đó chỉ là tiểu thuyết. Thánh Luca ghi lại biến cố Đức Giêsu mười hai tuổi ở lại trong đền thờ Giêrusalem, đàm đạo với các thầy thông luật mà cha mẹ không hay biết... Không có tài liệu nào khác nói về biến cố này.
Sau đó, các Phúc âm nhất lãm, tức là Máccô, Mátthêu và Luca, đều đồng ý về một sự kiện quyết định: nhân vật Gioan Tẩy Giả xuất hiện ở Paléttin, rao giảng theo kiểu các ngôn sứ thời xưa và Đức Giêsu đến để Gioan làm phép rửa cho. Tiếp đến, Đức Giêsu khởi sự rao giảng Tin mừng. Thánh Luca 3:1 tính ngày tháng rất tỉ mỉ: đó là năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, cũng là năm thứ 782 kể từ khi Rôma được sáng lập, tức là năm 28 hay 29 cn. Lc 3:23 cho biết khi ấy Đức Giêsu trạc ba mươi tuổi, mà không biết ngài tính tuổi theo lịch hay theo Luật (Luật đòi hỏi phải đủ 30 tuổi mới được phép hành dịch); vì thế, nhiều sử gia nghĩ là lúc ấy Đức Giêsu trạc 33 hoặc 35 tuổi. “Đời sống công khai” đã kéo dài bao lâu? Theo các Phúc âm nhất lãm mà tính, xem ra chưa đầy một năm; nhưng, như thế thì dường như ngắn quá, và có thể Phúc âm theo thánh Gioan giúp cho tính đúng hơn: Phúc âm thứ tư thuật lại Đức Giêsu dự lễ vượt qua tại Giêrusalem ba lần, nghĩa là Ngài đã sinh hoạt chừng ba năm trong vai một ngôn sứ hoặc thầy dạy, theo cách suy nghĩ của dân chúng. Ngài làm cái gì? Phêrô trình bày tóm tắt cho sĩ quan Rôma là Cornêliô như sau:
“Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, bắt đầu từ miền Galilêa, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài. Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Ngài đã làm trong cả vùng dân Do thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Ngài lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Ngài chỗi dậy, và cho Ngài xuất hiện tỏ tường...” (Cv 10:37-40).
Các biến cố ấy dư luận nghe trình thuật mà không mảy may phủ nhận vì đã xảy ra công khai. Vai trò của Gioan Tẩy giả có vẻ quan trọng, không những là vì ban phép rửa cho Đức Giêsu mà còn là vì đóng vai làm “tiếng gọi” khiến Đức Giêsu rời Nadarét để khởi sự một giai đoạn mới. Có kẻ nghĩ: ban đầu, Đức Giêsu là môn đồ của Gioan, rồi khi Gioan bị tiểu vương Hêrôđê bắt giam, Đức Giêsu mới tự lập trở về Galilêa và bắt đầu rao giảng Tin mừng (x. Mc 1:14). “Tin mừng” là gì? Là loan báo Nước Trời đã đến gần; lại nữa, “Nước Trời” có nghĩa là những lời Thiên Chúa đã hứa qua các tiên tri xưa, và cũng là niềm đợi trông của Ítraen, một niềm đợi trông sắp thành hiện thực; hơn nữa, chính Đức Giêsu là hiện thân của Nước ấy: đây là cốt lõi của tác vụ Đức Giêsu. Phêrô làm chứng về sự việc Đức Giêsu làm phúc, đặc biệt là chữa lành và trừ quỷ – theo cách hiểu thời ấy, hai việc này không khác chi nhau mấy. Giáo thuyết Ngài giảng chẳng mới lạ đến độ không hòa đồng được với Do thái giáo; chỉ có việc là bản thân Ngài không thể nào thu gọn được vào trong giới hạn nhỏ hẹp của tôn giáo ấy. Kiểu giảng dạy đặc thù của Ngài là kể chuyện theo dạng ẩn dụ, để trình bày, phần nào có thể, về mầu nhiệm Nước Trời. Như các thầy rabbi khác, Đức Giêsu cũng thu nạp môn đồ; tuy nhiên, với hai đặc nét: thứ nhất, các môn đồ này không học hành gì nhiều (có thể có người không biết chữ); mãi mãi họ sẽ là môn đồ của Ngài; và thứ hai, Ngài thiết lập một nhóm 12, tượng trưng cho 12 chi tộc Ítraen. Tầm trọng yếu của việc này họ chỉ lãnh hội được sau biến cố phục sinh. Rốt cuộc, vì những sự thật cần chấp nhận về bản thân mình và vì ảnh hưởng mà hoạt động của Ngài tạo được giữa dân chúng, giới cầm quyền đã quyết định giết Ngài. Lịch sử chẳng có thể biết thêm gì nhiều hơn ngoài những chi tiết đó.
Bây giờ, thử nhìn các tài liệu Tân Ước với con mắt đức tin. Ánh sáng đức tin vén mở ý nghĩa của lịch sử và giúp cho đi xa hơn trong nỗ lực nhận thức những sự kiện siêu lịch sử; những điều Kitô giáo gọi là “mầu nhiệm Đức Kitô” cũng vẫn mang một chiều kích lịch sử. Thánh Gioan cho biết: “Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa...”; rồi trình bày tiếp: “Và Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật” (Ga 1:1.14). Nói cách khác: Con Một Thiên Chúa, cũng gọi là Ngôi Lời hoặc Ngôi Hai, đã trở thành con người như mọi người; và tác giả làm chứng cho sự thật ấy. Trong một cách thức cụ thể hơn, hai Phúc âm Mátthêu và Luca kể lại cho thấy việc này đã xảy ra như thế nào.
Thánh Mátthêu ghi: “Bà Maria, mẹ Ngài, đã đính hôn với ông Giuse; nhưng trước khi hai ông bà chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18). Dựa vào câu này Kinh Tin Kính tuyên xưng:“Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Ngài xuống thai...” Đó là phần của Thiên Chúa. Và:“Sinh bởi bà Maria đồng trinh”... là phần của tạo vật. Thánh Luca kể chuyện với nhiều chi tiết hơn: khi cô Maria ở ấp Nadarét, đã đính hôn với cậu Giuse, thì thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến đưa tin là cô sẽ thụ thai; cô bèn tiết lộ cho biết mình đã nhận định và quyết định giữ mình đồng trinh... Không sao – thiên thần trả lời – vì Thần Khí Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên cô và con cô sinh ra “sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Bối rối, nhưng tin tưởng, Maria khiêm tốn chấp nhận, xin vâng theo ý của Đấng Tối cao, và tự xưng là nữ tỳ của Chúa (x. Lc 1:26-38). Suy tư về trình thuật này, thần học nói đến vấn đề “trinh thai” tức việc trinh nữ Maria thụ thai mà vẫn đồng trinh. Phúc âm Mátthêu nói rõ Giuse không phải là cha ruột của Đức Giêsu. Việc ấy xảy ra đúng như lời tiên tri Isaia (thế kỷ 8 tr.cn) báo trước rằng: “Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là ‘Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta’.” (Mt 1:19-25). Nên lưu ý: Thánh Thần không phải là cha của Đức Giêsu! Thần Khí được gọi là “ngón tay của Chúa Cha” để tác thành những kỳ công trong lịch sử cứu độ. Đấng, “sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời,” nhờ Thần Khí tác động, đã “sinh bởi bà Maria đồng trinh” trong thời gian.
Kitô giáo Chính thống đã không ngừng tuyên xưng chân lý này. Đức Giêsu đã sinh ra trong một cách thức đặc thù: không có cha sinh lý. Vì bản ngã (person) của Đức Giêsu-Kitô chỉ là một và Cha sinh ra bản ngã ấy là Chúa Cha, nên không thể có cha nào khác; quan hệ giữa cha-con là tương quan giữa hai bản ngã chứ không phải giữa hai bản tính, cho nên một người con không thể có hai người cha. Mầu nhiệm “trinh thai” là mầu nhiệm Đức Kitô, và chỉ trong một cách thể phụ thuộc là mầu nhiệm Đức Maria: nguồn gốc nguyên thủy của Đức Kitô là vĩnh viễn tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Sách Giáo Lý giải thích:
“Con Một của Chúa Cha ngay từ khi tượng thai làm người trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria, đã là “Kitô”, nghĩa là Đấng được Thánh Thần xức dầu (x. Mt 1:20; Lc 1:35), cho dù Ngài chỉ tỏ mình từng bước cho các mục đồng (x. Lc 2:8-20), các đạo sĩ (x. Mt 2:1-12), cho Gioan Tẩy giả (x. Ga 1:31-34), cho các môn đệ (x. Ga 2:11). Như vậy, trọn cuộc đời của Đức Kitô tỏ cho thấy ‘Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài như thế nào’.” (số 486).
Tuy nhiên, đức tin cũng quả quyết rằng Đức Giêsu là con người toàn vẹn như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Trước mắt thiên hạ, Ngài xuất hiện như là con của ông Giuse, ngài chịu mệt, chịu khổ, ăn uống, đói khát, phải học nghề... Như công đồng Vaticanô II minh họa: Ngài “đã làm việc với bàn tay con người, suy nghĩ với trí khôn con người, hoạt động với ý chí con người, yêu mến với con tim con người” (GS 22b). “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (Dt 4: 15). Trong vấn đề này, các phe phái lạc giáo gốc ngộ giáo đã ngộ nhận để sẵn sàng tin Ngài là thần linh, và từ chối không tin Ngài là con người thật! Vì thế, việc nhập thể của Ngôi Lời khác với avatar trong Ấn độ giáo; tín đồ Ấn giáo tin sự việc các thần thiêng (như Krishna chẳng hạn) nhập thế giống như con người, nhưng thật sự không phải là con người. Sở dĩ hai Phúc âm Mátthêu và Luca ghi gia phả Đức Giêsu là để tỏ rõ Ngài là con người thật: Mt nêu cho biết Ngài là con của Đavít và cháu của Abraham; còn Lc thì kể Ngài là con của Ađam. Theo Mt, Đức Giêsu là người Do thái; theo Lc, là đơn thuần con người; cả hai nhấn mạnh đến tính liên đới chặt chẽ của Đấng nhập thể với loài người: đâu phải hết các tổ tiên của Đức Giêsu đều là lành thánh, và cũng không phải hết cả đều là người Do thái, vì có người thuộc dân ngoại như bà Bethseba, như bà Rút, v.v... qua đó mới thấy rõ mối liên đới Ngài có với kẻ tội lỗi và với dân ngoại. Tuy nhiên, Kitô giáo sơ khai đã thấy xuất hiện lạc giáo ảo thân thuyết, là lạc giáo phủ nhận giá trị tích cực của xác thể và vật chất; họ chỉ muốn Đức Giêsu chỉ nhận lấy phần tinh thần tức linh hồn, còn phần xác thể thì không, bởi nó xấu xa không xứng đáng với Ngôi Lời; đó là lý do tại sao thánh Gioan thấy cần nhấn mạnh đến ý nghĩa của “xác thịt”: “Ngôi Lời trở thành xác thịt” (Ga 1:14), “phàm thần khí nào (tức quan niệm nào) tuyên xưng Đức Giêsu-Kitô đã đến trong xác thịt, thì thuộc về Thiên Chúa” ... còn ai phủ nhận xác thịt của Chúa Con là “phản-kitô” (1Ga 4:2-3); ngoài ra, Phúc âm còn ghi lại một câu nghe qua rất chướng tai: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6:54tt). Bí tích Thánh Thể được gọi là “mầu nhiệm đức tin” vì là điều khó tin nhất trong Kitô giáo; nhưng đó là nguồn sống cho chúng ta. Vì thế, xưa ông Téctullianô đã đưa ra lời nhận định sâu sắc: “Xác thịt là trục cứu độ.”
Trinh Nữ Maria
Đức Maria chỉ là đối tượng gián tiếp của Kinh Tin Kính; Đức Maria được gì thì đó là nhờ Con mình. Không do dự, lịch sử xác nhận ngài là người mẹ đã sinh hạ Đức Giêsu. Về gia đình họ hàng của Đức Maria, không được biết gì nhiều; các ngụy thư cho rằng cha tên là Gioakim và mẹ là Anna, và cả hai thuộc chi tộc Đavít; có lẽ là đúng. Quê quán ở đâu và sinh sống thế nào cũng không biết. Ngài kết hôn với Giuse, dòng dõi Đavít, có hộ khẩu ở Nadarét, miền bắc Paléttin, và là người trung lưu vì làm nghề độc lập. Vì thế, họ có thể cho Giêsu, con mình, đi học; ở Nadarét, Đức Giêsu “vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh” (Lc 4:16). Sau khi người con một mất đi, Maria ở với môn đồ Gioan (x. Ga 19:27). Sau đó, lịch sử không còn biết gì thêm; truyền thống nghĩ là ngài theo Gioan tới Êphêsô và qua đời tại đó.
Con mắt đức tin cho thấy Đức Maria là “người có phúc hơn mọi người nữ”; trước hết là vì người đã tin, như bà Êlisabét nhận thấy (x. Lc 1:45), và thứ đến, vì là mẹ Đức Kitô. Thánh Âugutinô hiểu rằng Đức Maria có phúc vì đã ấp ủ niềm tin hơn là vì đã cưu mang Đức Kitô. Là mẹ đồng trinh nhờ Thần Khí Thiên Chúa, và đó là dấu chỉ về siêu việt tính của con mình. Hội Thánh nhận thấy việc xảy ra như thế quả đã làm cho ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia 7:11, như Phúc âm Mátthêu lưu ý. Dù trí khôn không hiểu, lòng tin vẫn hân hoan tiếp nhận mầu nhiệm. Thánh Inhã Antiôkia miêu tả: “Giữa cảnh vực lặng thinh sâu thẳm trong Thiên Chúa, ba mầu nhiệm cao cả đã vang lên, tuy vẫn ẩn giấu trước mắt các hạng quyền thế trần gian: bà Maria đồng trinh mà thụ thai, sinh đẻ mà đồng trinh, và Thiên Chúa mà lại chết” (Ad Ephes. 19.1); Nadarét thì hẻo lánh, đêm Bêlem thì tẻ lạnh, núi Canvê đầy tăm tối ... mấy ai lưu tâm đến ngài.
Truyền thống Kitô giáo trân trọng dành nhiều tước hiệu cho Đức Maria. Với lòng con thảo, người công giáo bên Đông cũng như bên Tây phương gọi ngài là mẹ, là nữ vương, là sao biển, là nơi nương tựa v.v., và nhất là Mẹ Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô (năm 431) gọi ngài là theotókos (trong tiếng Hy lạp) hoặc dei genitrix (trong tiếng La tinh) nghĩa là “Mẹ Thiên Chúa”; danh hiệu kinh ngạc này bênh vực và nói lên thiên tính của Đức Giêsu. Thời ấy lạc giáo Ariô chủ trương Đức Giêsu là Đấng Kitô, nhưng không phải là Thiên Chúa; vì thế phải gọi Đức Maria là “Mẹ Đức Kitô” chứ không phải là “Mẹ Thiên Chúa”. Với lập trường mạnh mẽ của thượng phụ Alêxănđria, thánh Xyrillô, công đồng nhất tâm xác quyết rằng: Đức Kitô là Thiên Chúa, mà Đức Maria là mẹ của Đức Kitô, cho nên Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Dĩ nhiên Đức Maria không phải là mẹ của thiên tính! Là mẹ của Đức Kitô về mặt nhân tính, nhưng Ngôi Hai đã nhận lấy nhân tính để trở thành Đức Giêsu, là Thiên Chúa và là con của Đức Maria... Quan hệ mẹ-con là theo bản ngã (là Ngôi Hai nơi Đức Giêsu). Thánh Xyrillô giải thích:
“Kinh Thánh không nói là Ngôi Lời nhận lấy một bản ngã loài người, mà nói là ‘Ngài trở thành xác thịt’ (Ga 1:14). Đó có nghĩa là Ngài ‘có chung với chúng ta cùng một huyết nhục’ (x. Dt 2:14). Ngài lấy thân thể ta làm của mình và sinh ra như con người bởi một phụ nữ (x. Gl 4:4), nhưng không vì thế Ngài không còn là Thiên Chúa và không còn sinh bởi Đức Chúa Cha. Khi nhận lấy xác phàm Ngài vẫn còn nguyên là Ngài! Vì thế, các thánh phụ công đồng Nixê không ngần ngại gọi thánh Trinh Nữ là mẹ Thiên Chúa... vì Đức Giêsu bởi ngài sinh ra, nhưng không phải là thuần túy con người. Do đó, nếu Trinh Nữ là mẹ Đức Kitô thì cũng phải là mẹ Thiên Chúa, và nếu ngài không phải là mẹ Thiên Chúa thì cũng không phải là mẹ Đức Kitô... Thế nên, ai đã sinh hạ Chúa, thì tất nhiên là mẹ Thiên Chúa.”
Người công giáo khắp nơi đều gọi Đức Maria là mẹ mình. Đức Kitô từ trên thập giá đã chỉ về môn đồ và nói với Mẹ: “Đây là con bà” và từ lúc ấy các môn đồ Đức Giêsu đều coi Đức Maria là mẹ riêng của mình. Trong toàn thể Giáo hội, đâu đâu cũng nghe vang lên lời chào: “Lạy Mẹ Maria...” vang lên những lời kinh ca tụng: “Đức Mẹ là Mẹ Hội Thánh, Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ cực thanh cực tịnh, v.v.” Thần học lý luận rằng nếu Đức Maria là mẹ của Ðức Kitô là Đầu của nhiệm thể, và các kitô hữu là chi thể của nhiệm thể ấy, thì ắt Đức Maria cũng là mẹ của thân thể và của từng chi thể, bởi chính là mẹ của Đầu. Công đồng Vaticanô II gọi Đức Maria “mẹ của nhân loại” (LG 54); lý do là vì Đức Kitô, con ngài, là Ađam (tổ tiên) mới, và vì “Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, ngài thật là mẹ chúng ta” (LG 61). Bây giờ, Mẹ ở trên trời không ngừng chăm sóc cho con cái ở dưới đất, cũng “vì thế trong Giáo hội, Đức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Vị bảo trợ, Đấng Phù hộ và Đấng Trung gian” (LG 62), dĩ nhiên là bao giờ cũng phải hiểu theo một phụ tùy so với Đức Kitô. Trong hai thế kỷ 19 và 20, Giáo hội đã minh định hai tín điều về Đức Maria: tín điều Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. “Trinh nữ Maria được công nhận và tôn kính là Mẹ đích thực của Thiên Chúa và của Đấng Cứu chuộc... Mẹ cũng thật sự là ‘Mẹ các chi thể Chúa Kitô’... vì Mẹ đã cộng tác bằng đức ái của mình vào việc sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Kitô là Đầu. Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, là Mẹ của Hội Thánh” (x. Sách Giáo Lý, số 963).
Trong kế hoạch cứu độ, Đức Maria đã hợp tác với Ðức Kitô một cách đặc thù, kể từ khi thưa “xin vâng” và thụ thai Đấng Cứu Thế. Ngài là “kẻ đã tin” làm mẫu gương cho các tín hữu. Ngài đã hân hoan hát lên: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1:48), và đó chính là điều Giáo hội không ngớt tưởng niệm trong phụng vụ và trong các hình thức sùng kính Đúc Mẹ; đó cũng là điều các nghệ sĩ mọi thời cố đem hết tài năng của mình mà biểu hiện, khiến Mẹ Maria là phụ nữ có nhiều hình ảnh nhất trong lịch sử loài người. Giữa lòng Hội Thánh, Mẹ-Con mãi mãi ở bên nhau.
LÝ DO NHẬP THỂ
Lý do nhập thể được tín biểu Nixê trình giải như sau:“Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tội...” Câu này là tiếng vọng của cụm từ Hy lạp hyper hemon, “vì chúng ta” mà Tân Ước nhắc lại nhiều lần bằng nhiều cách: “để cho thế gian được sống” (Ga 6:51), “Đức Kitô chết vì chúng ta... người tội lỗi” (Rm 5:6-8), “...vì tội lỗi chúng ta” (1Cr 15:3), “...vì tôi” (Gl 2:20), “...chịu khổ vì chúng ta” (1Pr 2:21), v.v. Loài người cần được cứu rỗi vì đang nằm trong tình trạng tội lỗi, mà sức lực loài người thì không sao cứu chữa nổi; sống xa lạ với Thiên Chúa, loài người chẳng thể nào tự nâng lên cho tới Trời được. Cần phải có ai từ Trời xuống để mà nâng chúng ta lên. Nhưng, không phải là ai cả – bởi tuyệt đối không một ai làm nổi – mà là chính Thiên Chúa đã làm công việc này một cách hết sức lạ lùng: chính Người xuống đặt mình trên cùng một bình diện với con người, trở nên “đồng bào” của chúng ta; đó là điều thánh Lêô Cả gọi là “cuộc trao đổi kỳ diệu”: lấy của ta và cho ta lấy của Người, trở nên Con Người để cho con người trở nên con cái Thiên Chúa, mặc lấy bản tính loài người để cho con người – theo lời tông đồ Phêrô – “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1:4). Các giáo phụ nhấn mạnh giải thích rằng chẳng phải để tìm lợi ích chi nơi trần thế mà Ngôi Lời nhập thể, bởi vì “nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành” và bởi vì Ngài vốn là chủ của mọi sự, nhưng chỉ vì yêu thương chúng ta nên Ngài mới sinh ra làm người. Thánh Gioan nêu lên lý do này: “Thiên Chúa yêu thưong chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4:10), và chính “Đức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi” chúng ta (1Ga 3:5). Kinh Thánh nhiều lần nêu bật chân lý này: tự nó, tôn giáo không có khả năng đạt được mục tiêu ấy; vì thế, Thư Do thái vén mở cho thấy rằng: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ Con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này Con đây, Con xin đến để thực thi ý Ngài... Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10:5-10). Vì thế, Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, như dân Samaria đã tuyên nhận: “Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng Cứu Độ trần gian” (Ga 4:42). Thiên Chúa đã đoái thương cứu rỗi con người qua một con người.
Ơn cứu độ có hai mặt: tiêu cực là xóa bỏ tội lỗi, và tích cực là thần hóa (theo nghĩa loại suy, dĩ nhiên); trong thần học, trường phái Phanxicô thường nêu bật khía cạnh tích cực và cho rằng dù không có tội lỗi, Ngôi Hai vẫn nhập thể làm người. Lý do là vì Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu cốt ở chỗ tự trao ban chính mình cho người mình thương mến; do đó, Thiên Chúa đã quyết định dựng nên tạo vật có khả năng mở ra đón nhận lòng thương của Người. Thánh Gioan khẳng định Thiên Chúa yêu mến thế gian, và chắc là lòng thương mến này chẳng tùy thuộc vào sự việc loài người có tội hay không có tội! Và vì yêu ta, Chúa đã muốn ở với ta, hơn nữa trở nên một phần tử trong gia đình ta, ngõ hầu chia sẻ với ta (như là với các em) chính mình Người, Cha mình (Cha chúng tôi) và Thánh thần của mình (được thánh hóa). Thư Côlôxê cho biết Đức Giêsu Kitô là trưởng tử mọi loài thọ tạo, trong Ngài Thiên Chúa tạo thành mọi sự, nhờ Ngài và cho Ngài... nghĩa là trước khi có tội Ađam, Chúa Cha đã có kế hoạch ấy rồi, là làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện nơi Ngài, để hoà giải với mình mọi sự, tức là làm cho vạn vật được thông phần vào sự viên mãn ấy (x. Cl 1:1-20). Biểu đạt theo một cách khác, thư Galát viết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4): Chúa Kitô xuống thế để chia sẻ tính chất làm Con của mình, theo ý Chúa Cha. Nơi Đức Giêsu Thiên Chúa muốn loài người gặp được Người, thấy được diện mạo của Người, bắt chước Người. Chính vì thế, công đồng Vaticanô II mới nói là: “Chúa Con đến, được sai do Chúa Cha, Đấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Ngài truớc khi tạo dựng vũ trụ và tiền định cho chúng ta làm dưỡng tử, vì Người mong ước cải tạo tất cả trong Chúa Con... Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy; Ngài là ánh sáng thế gian, và chúng ta phát xuất từ Ngài, sống nhờ Ngài và hướng về Ngài” (LG 3).
Thật ra, lý do sâu xa nhất nằm ở nơi chính bản thân Ðức Kitô. Trong Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Con được Chúa Cha sinh ra, và Cha-Con nhiệm xuy Thánh Thần. Trong thế giới tạo vật, việc “sinh ra” ấy trở thành hành động “sai phái”: sứ mạng trong thời gian của Ðức Kitô là phản ảnh của tính chất làm Con trong vĩnh cửu. Tất cả đều khởi sự nơi Cha và trở về với Cha: “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã thế gian; nay Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha” (Ga 16:28). Chúa Con tự hữu, phi tạo đã nhập thể để làm Con thụ tạo; sống như người Con, chịu vâng phục (x. Ga 6:38-40), lo làm vinh danh cho Cha (x. Ga 17:4) và chia sẻ Thánh thần (x. Ga 16:7). Lẽ dĩ nhiên, tất cả cũng là vì chúng ta: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12:46).
Suy Tư Thần Học
Giáo hội sơ khai đã phải sống qua bốn thế kỷ suy nghĩ và tranh luận, với ba công đồng chung mới tạo ra được một công thức tạm thỏa mãn trí khôn về mầu nhiệm nhập thể. Năm 451, công đồng Canxêđon định tín rằng: “Căn cứ vào giáo huấn của các thánh Giáo phụ, chúng tôi nhất trí dạy phải tuyên xưng rằng chỉ có Một Người Con, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ngài toàn vẹn trong thiên tính, cũng như toàn vẹn trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và là con người thật... đặc tính của mỗi một trong hai bản tính càng được bảo toàn khi tụ hợp với nhau nơi một ngôi vị và một bản ngã...” (DS 301-302).
Nhập thể là mầu nhiệm cơ bản của Kitô học hữu thể, và là tâm điểm của lịch sử cứu độ; đó là lúc Thiên Chúa trở thành con người. Sách Giáo Lý định nghĩa: “Hội thánh gọi sự kiện Con Thiên Chúa mang lấy bản tính nhân loại để thực hiện trong bản tính ấy việc cứu độ chúng ta, là Nhập thể” (số 461). Muốn hiểu phần nào về mầu nhiệm này, trước hết cần phải lưu ý đến sự hiệp nhất:
Hiệp nhất hay thống nhất trong bản thân Đức Kitô có nghĩa là Ngôi Lời nhập thể là một hữu thể duy nhất. Tuy nhiên, hữu thể duy nhất này gồm có hai yếu tố khác hẳn nhau như Tạo hóa với tạo vật. Đức Kitô không thành một từ hai yếu tố phối kết lẫn với nhau để làm nên một hữu thể thứ ba, song là trong hai yếu tố mãi mãi tồn tại nguyên vẹn và khác nhau. Không phải là hai bản tính trực tiếp hiệp nhất với nhau, nhưng là hiệp nhất qua Ngôi Lời, tức là Ngôi Lời hiệp nhất với hai bản tính, và vì thế hai bản tính hiệp nhất trong Bản ngã của Ngôi Con.
Mầu nhiệm Đức Kitô cốt ở điểm hiệp nhất này. Thuật ngữ dùng để gọi sự hiệp nhất này là “ngôi hiệp” (unio hypostatica), tức hiệp nhất trong ngôi vị. Ý nghĩa là Ngôi Lời vĩnh cửu (và tiên hữu) kết hiệp làm một với một nhân tính toàn vẹn. Thiên Chúa Ba Ngôi là tác giả của việc kết hợp ấy, vì đó là việc làm nên một tạo vật mới; nhưng chỉ một mình Ngôi Hai nhập thể, chứ không phải có cả Ngôi Cha như lạc giáo khổ phụ thuyết nghĩ (x. DS 284); thiên tính cũng không nhập thể. Nhân tính Đức Kitô không có sẵn trước khi được Ngôi Lời mặc lấy, song đã được sáng tạo chính lúc được mặc lấy (ipsa assumptione creatur), như thánh Lêô đã trưng dẫn lời của thánh Âugutinô mà xác định (x. DS 298). Con người Giêsu này không tự hữu, nhưng hiện hữu bởi Ngôi Lời, nghĩa là con người Giêsu tồn tại nhờ sự hiện hữu (existence, act of existing) của Ngôi Con, và như thế, có được một sự hiện hữu hoàn hảo nhất có thể.
Con người cảm nghiệm cá biệt tính và trạng thái duy nhất nơi chính mình như một lãnh vực không thể nào chia sẻ, nhưng đồng thời lại cảm thấy nhu cầu và khynh hướng mở ra cho tha nhân. Càng đóng kín trong mình, con người càng bị giới hạn; còn càng mở ra thì càng triển nở phong phú. Ngôi vị là hữu thể sống trong tình trạng biện chứng ấy. Như vậy, Đức Giêsu vừa đồng nhất mà cũng vừa bất đồng nhất với Chúa Cha: “đồng nhất” vì Ngài tuyệt đối (là Thiên Chúa); “bất đồng nhất” vì Ngài không tuyệt đối (bởi là một tạo vật)! “Được sáng tạo khi được mặc lấy.” Khác với chúng ta, Đức Giêsu không bị giới hạn ở trong chính mình, nên nơi Ngài, khả năng mở con người mình ra cho tha nhân thì vô hạn. Ngài mở ra tới tận Thiên Chúa và tới tận mọi tạo vật: Ngài có khả năng đón nhận mọi người, và trao ban chính mình cho mọi người. Được sinh ra từ Tình yêu tuyệt đối, Ngài chính là tình yêu nhập thể.
Càng đi sâu vào trong mầu nhiệm Đức Kitô, thì càng hiểu được rõ hơn vai trò trung gian của Ngài. Do bởi bản tính, Đức Giêsu đứng “ở giữa” Thiên Chúa và loài người. Ngài là chiếc cầu bắc ngang giữa bờ thụ tạo và bờ phi tạo, giúp cho con người bước qua được vực thẳm hư vô mà đến với Chúa Cha. Nhưng xét cho cùng, Đức Giêsu chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng của Tam Vị: tức là qua mầu nhiệm của Chúa Cha và Thần Khí. Từ bấy giờ, Thiên Chúa có một bộ mặt nhân loại. Chúa Kitô thực hiện vai trò trung gian qua “ba nhiệm vụ” là sứ ngôn, tư tế và vua chúa. Như sứ ngôn, Ngài cho ta biết ý Chúa Cha (x. Ga 17:3; Mt 11:27); như tư tế, Ngài đứng bên hữu Thiên Chúa nguyện cầu cho chúng ta (x. Dt 4:14─7:28); như vua chúa, Ngài chi phối lịch sử loài người (x. Ga 18:37; Kh 5:13).
Vậy, về phương diện Cứu độ học, nhập thể có nghĩa là Thiên Chúa đã tham dự vào lịch sử loài người cách cụ thể, cách chủ động, theo cung cách con người. Theo cung cách “cụ thể” nghĩa là đường lối cứu rỗi là đường lối hữu hình, diễn ra trong giới hạn của lịch sử, qua trung gian cụ thể, và – trong thực tế – một thứ trung gian đó là Giáo hội. Sự cần thiết của Giáo hội phát xuất từ điểm nền tảng này. Cũng từ đó mà có “nhiệm cục bí tích,” tức là phương pháp cứu độ dùng vật chất và cử chỉ làm khí cụ cho ân sủng. Bởi Thiên Chúa đã trở thành con người cụ thể (Đức Giêsu Nadarét), nên loài người không thể được cứu độ qua một giáo lý, một số “chân lý vĩnh viễn” trừu tượng hoặc qua một con đường “giác ngộ” nào đó, như lạc giáo ngộ giáo và ảo thân luận chủ trương. Nguồn ơn cứu độ là con người Giêsu. Ảnh hưởng của các lạc giáo ấy vẫn còn dai dẳng lưu thặng ở trong nhiều quan niệm và thói quen đạo đức; chẳng hạn, chỉ lo cứu rỗi “linh hồn” mà khinh bỉ thân xác. Vì Thiên Chúa đã mang lấy toàn bộ lịch sử, nên mọi biến cố trong đời sống đều trở thành nhân tố cứu độ: con người được cứu độ qua việc dấn thân vào giữa lòng xã hội, giữa các biến cố lịch sử, ngay trong thế gian, chứ không cần phải “ra khỏi” thế gian. Đời sống hằng ngày chính là môi trường cứu độ với không biết bao nhiêu giá trị và ân sủng.
Nhưng thể xác không chỉ có thể trở thành khí cụ của ân sủng, lối dẫn về với Thiên Chúa, mà còn có thể làm khí cụ của tội lỗi, trở thành mối nguy tách ta ra khỏi Người. Đức Giêsu phối kết hài hòa trong chính mình các yếu tố cấu tạo mầu nhiệm nhập thể: thần thiêng và nhân loại, xác và hồn, trí thức và lao động, tôn giáo và xã hội, cuộc sống cá nhân và sinh hoạt cộng đoàn. Dùng thân xác để che dấu con người mình không phải là chuyện hiếm có: bộ mặt tử tế che dấu lòng dạ ghen tương, lời che ý, v.v. và như thế đâm ra giả hình, sống khác với sự thật về mình. Bởi Đức Kitô là Ađam mới, nên mọi người đều có được “yếu tố kitô” ở trong mình, nhờ đó có thể hợp nhất hài hòa mình với mình, chữa lành vết thương của tội lỗi nằm sâu trong nhân tính và sống niềm thống nhất nội tâm, sống thật với mình và với mọi tha nhân.
Ngôi Lời nhập thể đã chủ động tham dự vào sinh hoạt xã hội. Như thế, ơn cứu độ không phải là chuyện máy móc, phù phép, mang lại kết quả một cách tự động, nhưng đòi phải mở lòng đón nhận Đức Kitô với một thái độ liên bản vị, ít là cách mặc nhiên nơi anh chị em của Ngài. Và nếu nhập thể là men đang đổi mới vũ trụ, thì con người mới cũng như đất mới, trời mới, sẽ không hình thành được trừ phi các tín hữu kitô biết ra tay dấn thân tích cực hoạt động giữa cuộc sống.
Vaticanô II cho biết rằng: “Qua việc nhập thể, một cách nào đó, Con Thiên Chúa đã kết hợp với tất cả mọi người” (GS 22b). Điều này cũng muốn nói là không ai được cứu độ riêng lẻ một mình, nhưng là với những người khác, vì ơn cứu độ là ơn huệ liên đới. Ngôi Lời nhập thể không chỉ là “Thiên Chúa-ở-với-chúng-ta,” mà còn là “con-người-cho-mọi-người.” Vì Đức Giêsu là quà tặng của lòng Thiên Chúa thương yêu hết thảy mọi người (x. Ga 3:16), nên Ngài tự trao ban chính mình cho mỗi người, mong hòa giải mọi người với Chúa Cha và với nhau, làm cho ơn liên đới ấy trở thành “môi sinh” của nhân loại mới. Vì vậy, nơi tha nhân, người kitô có bổn phận phải nhận cho ra sự hiện diện của chính Đức Giêsu. Trong Đức Kitô tất cả trở thành một.
Về phương diện mạc khải, nhập thể cho thấy Thiên Chúa không đóng khung cô lập trong chính mình, nhưng mở rộng “ra ngoài,” đi vào giữa thế gian. Người toàn năng đến nỗi có thể trở thành tạo vật như con người. Trong con người Giêsu, con người mới biết được Thiên Chúa cách đích thực: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Cứu độ và mạc khải đi đôi với nhau; đời sống vĩnh cửu là nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nhưng không thể tách biệt được việc nhận biết Cha và việc nhận biết Con (x. Ga 17:3). Thần học hiểu rằng mạc khải là cung cách cứu độ. Ở đây, không có ý ám chỉ đến những lời nói và việc làm của Đức Giêsu nhằm mạc khải Chúa Cha, mà chỉ đơn thuần tập trung chú ý vào chính bản thân của Đấng nhập thể. Đấng Cứu độ là trung gian của Thiên Chúa hiện diện cùng hoạt động giữa và cho loài người. Thế thì, gặp Đức Giêsu là gặp Thiên Chúa, biết Ngài là biết Thiên Chúa. Như trong sự sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Con là “hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1:3), thì cũng thế, Ngôi Con nhập thể là hình ảnh trung thực của Cha trong cách thể nhân loại. Thân phận, thái độ, hoạt động của Đức Giêsu vén mở cho con người biết Thiên Chúa đích thực là như thế nào. Lý trí của triết học đã quan niệm về Thiên Chúa một cách trừu tượng (như là hữu thể); trong Đức Giêsu con người biết Người một cách ngôi vị. Mầu nhiệm trở thành một kinh nghiệm dưới dạng nghịch lý: Đấng toàn năng trở thành bất lực, Đấng vĩnh cửu sống trong thời gian, Đấng vô hình hiển hiện thấy được, Đấng vô biên lại chịu giới hạn của không và thời gian, v. v. Từ nay muốn biết Thiên Chúa, con người không cần phải lý luận cao siêu, mà chỉ cần nhìn vào Đức Giêsu: “Ai thấy tôi là thấy Cha” (Ga 14:9). Mặt khác, trong Đức Kitô, con người cũng biết được mình là ai. Cựu Ước cho biết rằng “Ađam được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1:26); nhưng nhờ và qua Ngôi Lời nhập thể con người mới thấy được hình ảnh ấy là như thế nào. Chẳng thế mà Vaticanô II đã nhận định: “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể” (GS 22a). Càng biết Đức Giêsu, thì càng biết chính mình, càng biết loài người. Kitô học và nhân học bổ túc cho nhau.
Vốn vô hình, Thiên Chúa đã trở thành hữu hình và ban tặng cho loài người “ảnh tượng” của Người nơi Đức Giêsu. Nhờ nhập thể, Giáo hội mới có được để mà tôn kính hình ảnh của thần thiêng. Thần học về các ảnh tượng đặt nền móng trên sự kiện nhập thể. Trước nhập thể, Thiên Chúa vô hình đã cấm chỉ việc “tạc tượng vẽ hình... để mà thờ” (Xh 20:4). Sách Giáo Lý viết: “Ảnh tượng thánh, đặc biệt các ảnh tượng dùng trong Phụng Vụ, chủ yếu trình bày Chúa Kitô. Ảnh tượng không thể minh họa Thiên Chúa vô hình, khôn tả; nhưng việc Con Thiên Chúa nhập thể đã đem lại một ‘nhiệm cục’ mới về các ảnh tượng” (số 1159). Nghệ thuật thánh trong Kitô giáo đã phát sinh từ sự việc nhập thể. Như chữ viết là hình ảnh của lời nói, thì cũng tương tự như vậy, ảnh tượng là hình ảnh của Lời nhập thể. Bây giờ, biết được Thiên Chúa không chỉ qua điều tai nghe, mà còn qua cả những gì mắt thấy nữa. Thực vậy, cử chỉ, cử điệu, ngũ quan, thân thể... đều là những phương tiện giúp nhận biết Thiên Chúa. Đó chính là “kế hoạch bí tích” trong lịch sử cứu độ.
Cuối cùng, về phương diện vũ trụ luận, nhập thể cho thấy Đấng Tạo hóa đã hạ cố làm một thành phần giữa các tạo vật, đã kết hợp với vật chất hầu “cứu độ” nó. Kế hoạch tạo dựng và thần hóa là hai khía cạnh của ý định Thiên Chúa đối với muôn vật. Cuộc biến hóa hướng về với Đức Kitô, và Đức Kitô tác dụng như một thứ men ở trong vũ trụ. Vaticanô II đã nhắc lại học thuyết về Đức Kitô alpha và omega của vũ trụ (x. GS 45). Vạn vật mà còn được Thiên Chúa đoái thương như vậy, thì huống chi là loài người; quả vậy, lịch sử loài người được đưa dẫn và linh động hóa bởi một thứ “nguyên lý hướng Kitô” (christic entelechy): trước Đức Kitô là giai đoạn chuẩn bị Nhập thể, sau Đức Kitô là thời gian để thực tại thần thiêng nhập thể ngày càng sâu đậm hơn vào trong xã hội và lịch sử nhân loại; đó là cả một tiến trình thần hóa, đưa ý nghĩa của lịch sử đến chỗ lộ hiện ngày càng rõ hơn, cho đến khi được mạc khải trọn vẹn và rực rỡ trong ngày Quang lâm.
Để mạc khải mầu nhiệm nhập thể, Phúc âm Gioan đã dùng công thức sau đây: “Lời trở thành xác thịt” (Ga 1:14). Thần học biểu đạt cụ thể hơn: Ngôi Hai trở thành Đức Giêsu. Có ba yếu tố: Ngôi Lời, trở thành, xác thịt. Vì Ngôi Lời là Thiên Chúa, nên cần phải tìm hiểu:
— Thiên Chúa này là ai, là như thế nào? Thiên Chúa chỉ có một, đã đành. Nhưng như đã nói ở trên kia, không phải “tất cả trong Thiên Chúa” đã nhập thể. Thiên tính không nhập thể, vì nếu vậy thì Chúa Cha và Thần Khí cũng phải nhập thể, mà thực ra là không. Phúc âm xác định rõ Ngôi Lời đã nhập thể, nghĩa là Ngôi Hai, Ngôi Con. Thần học đặt câu hỏi: Ngôi Cha có thể nhập thể hay không? Thần học cổ điển trả lời là có, vì Ba Ngôi bằng nhau, có quyền như nhau; nhưng nhiều thần học gia hiện đại nghĩ là không; lý do là vì các Ngôi vị khác hẳn nhau, và tự bởi bản tính, Cha “không xuất ngoại.” Có lẽ tốt hơn là nên khiêm nhường thú nhận rằng lý trí loài người chẳng có thể hiểu thấu mầu nhiệm Thiên Chúa; về Người chúng ta chỉ biết được những gì đã được mạc khải, và điều bàn đến ở đây không phải là điều đã được mạc khải.
— Vấn đề “trở thành”? Thiên Chúa vốn bất biến, tuy nhiên thần học thường hiểu là Người bất biến nơi bản tính (thiên tính), nhưng lại có thể biến đổi nơi một cái gì khác (trong nhân tính, chẳng hạn). Dù Người bất biến trong chính mình, thì đối với kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa tỏ ra thay đổi: đó là cơ sở của việc cầu nguyện, của niềm hy vọng, của đức cậy. Bởi nếu có sự tiền định tuyệt đối thì cầu nguyện xin ơn sẽ ra vô lý, vì không còn có chỗ cho niềm hy vọng nữa. Thánh Gioan viết rằng: “Lời trở thành xác thịt;” ngài không muốn nói Ngôi Lời không còn là Thiên Chúa, song muốn nói Ngôi Lời bắt đầu nhận thêm thân phận con người; hơn nữa, Ngài tiếp tục “thành” con người cho đến hồi thành tựu viên mãn. Con người Giêsu càng thành toàn thì việc nhập thể càng thành tựu; và thế mới rõ là lúc sống lại vinh hiển, việc nhập thể mới hoàn toàn thành tựu. Và đời đời Ngôi Lời vẫn tiếp tục làm người. Phẩm giá con người là thế.
| Nguồn:
http://www.htth.org/so/so38_39/38f_sinh_boi_trinh_nu.htm