Sự đồng lõa của Kitô hữu
Vũ Văn An
19/Oct/2017
Năm 1938, trước những cuộc tấn công thiếu hiểu biết của người vô thần đối với Kitô Giáo, nhà thần học Dòng Tên Henri de Lubac nêu câu hỏi: “nếu một hiểu lầm như thế xuất hiện và tự củng cố, nếu một tố cáo như thế được chấp nhận rộng rãi, thì há đó không do lỗi chúng ta hay sao?” Câu hỏi của de Lubac nói lên sự kiện đáng lo ngại này: nếu các biếm họa về Kitô Giáo đang được phổ biến và xem ra đáng tin, thì các Kitô hữu là những người phải chịu trách nhiệm một phần. Vì dù sao, chủ nghĩa duy tục tại Phương Tây cũng là hiện tượng “xẩy ra ngay trong nhà”; và dù có xét về phương diện hoàn cầu đi chăng nữa, thì hiện tượng vô tín ngưỡng phổ quát hiện nay cũng chủ yếu là một đặc điểm của các xã hội hậu Kitô Giáo. Chính Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay của Vatican II cũng đã nhìn nhận như thế: “Các tín hữu có thể đóng một vai trò không nhỏ trong việc phát sinh ra chủ nghĩa vô thần, vì qua việc sao lãng nền giáo dục đức tin, qua việc giảng dạy những lý thuyết sai lạc, hoặc qua những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý hay xã hội của mình, có thể nói đúng hơn họ đang che dấu hơn là biểu lộ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa và của tôn giáo mình”.
Năm mươi năm sau, có lẽ ta vẫn cần lưu tâm đến giáo huấn trên. Người ta thường nghe những nhận định đại loại như nhà văn vô thần này hay nhà văn vô thần kia chỉ đánh vào khoảng trống hay đánh vào những kẻ thù thần học tưởng tượng. Thiên Chúa mà những người như Richard Dawkins hay Sam Harris không tin thực ra không phải là vị Thiên Chúa của người Kitô hữu. Dù những nhận định như thế rất đúng, nhưng ta vẫn không nên tránh né vấn đề sâu xa hơn. Nếu nền thần học Kitô Giáo dễ bị trình bày sai kiểu hí họa, hay nếu Kitô hữu bị tai tiếng là những người không biết suy nghĩ hợp lý, thì chắc chắn điều này không tự không mà có được. Há những kẻ thù tưởng tượng kia không phải là những kẻ thù mà chính ta đã góp phần tạo ra đó ư?